Đánh giá vì người học

GD&TĐ - Cùng với quá trình đổi mới giáo dục, hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều thay đổi, theo hướng ngày càng tiến bộ, nhân văn và vì người học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Còn nhớ trước khi Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ra đời và đi vào cuộc sống, câu chuyện áp lực về điểm số với học sinh tiểu học trở thành tâm điểm trên mặt báo trong thời gian dài. Khi đó (theo Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT) chỉ quy định đánh giá kết quả cuối cùng mà học sinh đạt được trong từng giai đoạn nên rất hạn chế, tăng áp lực điểm số và không còn phù hợp với việc dạy và học theo định hướng đổi mới.

“Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” được đưa ra trong Thông tư 30 như nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất, chính là nội dung tiến bộ, nhân văn của xu hướng đánh giá hiện đại. Với Thông tư này, lần đầu tiên, ở tiểu học đã bỏ việc chấm điểm khi đánh giá thường xuyên; giáo viên đánh giá bằng nhận xét; đánh giá quá trình được coi trọng. Cho đến nay, quy định về kiểm tra, đánh giá với học sinh tiểu học tiếp tục được điều chỉnh ngày càng tiến bộ hơn so với Thông tư số 22 năm 2016 và mới nhất là Thông tư số 27 năm 2020, nhưng vẫn trên tinh thần cơ bản là “vì sự tiến bộ của người học”.

Ở trung học, trước khi chờ đợi quy định hoàn toàn mới về kiểm tra, đánh giá áp dụng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 26, sửa đổi, bổ sung quy định đánh giá, xếp loại học sinh trung học theo Thông tư 58. Thông tư 26 thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; bảo đảm kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập vì sự tiến bộ của học sinh. Các môn học đều được yêu cầu phải có đánh giá bằng nhận xét.

Nhìn cả quá trình, có thể nói, quan điểm về đánh giá học sinh được thể hiện qua các quy định của ngành Giáo dục đã thay đổi và phát triển từ việc đánh giá nhằm phân loại, so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá riêng biệt, từng mặt hạnh kiểm và học lực; tới đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Thực hiện đánh giá thường xuyên, đi liền với quá trình học tập mà không phải đợi khi đã dạy học xong mới đánh giá. Mỗi học sinh sẽ trở thành chính mình với nhân cách toàn diện trong tương lai. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế đánh giá hiện đại của thế giới, cũng như quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT của Việt Nam.

Thành tố cơ bản trong chương trình giáo dục bao gồm: Mục tiêu - nội dung - phương pháp và đánh giá phụ thuộc, tác động, gắn bó rất khăng khít với nhau. Trong đó, thành tố kiểm tra, đánh giá học sinh giữ vai trò quan trọng; giúp điều chỉnh cách dạy và học nhằm tích cực hóa hoạt động dạy học, giáo dục; từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Chất lượng giáo dục chỉ có được nếu học sinh tự tin, thích học, say mê tìm tòi sáng tạo trong quá trình học, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính mình. Đổi mới đánh giá học sinh đã chú trọng đến điều này. Thực tế quá trình triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học những năm qua và với trung học là học kỳ vừa qua, có thể nhìn thấy kết quả rất rõ ràng: Áp lực điểm số giảm; giáo viên coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh. Học sinh được bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn, từ đó phấn đấu trong sự chủ động. Đến trường với niềm vui, hứng thú sẽ giúp học sinh thích học và học tốt hơn.

Tất nhiên, việc thay đổi quy định về kiểm tra đánh giá sẽ được thực hiện hiệu quả hơn nữa khi có sự đồng bộ và giáo viên là nhân tố quan trọng. Thầy cô cần quán triệt nhận thức về tư duy đánh giá mới, thay đổi thói quen chỉ tập trung vào chấm điểm; đồng thời trang bị thêm những kĩ năng đánh giá cần thiết. Khai thác được lợi thế của công nghệ cũng sẽ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả đánh giá, bởi hiện nay có nhiều các ứng dụng về kiểm tra đánh giá trên các thiết bị thông minh rất tiện lợi và hữu dụng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ