Khai thác dư địa tăng trưởng

GD&TĐ - Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%. Khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong tháng 6, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 6.433 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 10,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 2.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 6 tháng, cả nước có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 127,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy có thể thấy, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng về tổng thể, nền kinh tế vẫn cơ bản duy trì được những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy nhiên, như nhận định của đại diện Cục Thống kê, đây mới chỉ là điều kiện cần.

Thực tế, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa vững chắc, tăng trưởng còn chậm và chưa đều. Một số ngành tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi” do đơn hàng không tăng và cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý chồng chéo và năng lực thực hiện dự án ở địa phương còn hạn chế. Tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh, còn tâm lý thận trọng.

Người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định. Chi tiêu dùng qua tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tuy tích cực, nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực lan tỏa tới toàn nền kinh tế.

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nhất là với các doanh nghiệp trong nước. Thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng làm gia tăng áp lực cho thị trường tiền tệ. Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao.

Ngoài các yếu tố nội tại, các yếu tố bên ngoài như xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường cũng là nguồn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa, từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nước ta.

Mặt khác, biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực nên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn, giảm dư địa nới lỏng. Chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ cũng sẽ gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu nước ta trong những tháng tới.

Vậy nên, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của cả năm, trong những tháng còn lại, cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách. Theo đó, các dư địa cần khai thác trong các quý tiếp đó là giải ngân đầu tư công.

Tiếp đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng16% cũng sẽ tạo ra dư địa rất lớn. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ 1/7 và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước… cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, không gian tăng trưởng mới khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố, triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và các động lực tăng trưởng từ đổi mới khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động cũng là dư địa rất quan trọng cần được khai thác trong thời gian tới để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ