Bao giờ đến hồi kết?

GD&TĐ - Bắt đầu từ tối 23/10, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lại dựng lều bạt ngăn xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Hà Nội. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không ai còn nhớ đây là lần thứ bao nhiêu người dân chặn xe nữa. Người nói gần chục lần, người bảo phải gấp đôi. Chỉ 3 điều có thể chắc chắn. 

Một là, như thường lệ, “điệp khúc” chặn xe rác đòi quyền lợi thêm lần nữa khiến vùng nội đô ngập ngụa trong hàng nghìn tấn rác thải. Công ty vệ sinh môi trường đô thị đã phải trùm kín bạt và rắc vôi bột quanh những dãy xe rác xếp hàng dài trên phố để khử khuẩn nhưng cũng chỉ được phần nào!

Hai là, từ khi tiếp tục mở rộng bãi rác Nam Sơn thêm 73,73 ha vào năm 2011 - khiến hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu “thoắt cái” lọt vào vùng ô nhiễm bán kính 500m – cho đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn “chưa chịu” giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân.

Gần mười năm qua đi, hàng chục cuộc họp giữa chính quyền và người dân Sóc Sơn đã diễn ra với bao nhiêu lời hứa hẹn. Rốt cuộc, việc giải phóng mặt bằng vùng bán kính 500m, việc mua bảo hiểm y tế, cung cấp nước sạch... cho người dân chịu ảnh hưởng của bãi rác vẫn dậm chân tại chỗ. 

Tìm kiếm sự đồng thuận trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân sống gần bãi rác Nam Sơn có vẻ phức tạp nên cần nhiều thời gian, việc này tạm hiểu được (dù rằng cần tới 10 năm thì thật khó chấp nhận bởi người dân phải chịu đựng ô nhiễm hàng ngày, hàng giờ, hàng phút).

Tuy nhiên, những việc đơn giản hơn, ví dụ mua bảo hiểm y tế cho dân, cấp nước sạch cho dân… tại sao chậm trễ đến vậy? Từ đây, điều chắc chắn thứ ba đó là chính quyền Hà Nội rõ ràng thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề xung quanh bãi rác Nam Sơn. 

Sự thiếu trách nhiệm này đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra trong cuộc họp do chính ông triệu tập chiều 25/10. Cụ thể, Bí thư Vương Đình Huệ cho rằng, những tồn tại ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, trong đó các đơn vị chức năng “chưa thực sự tâm huyết, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, công tác phối hợp cũng chưa hiệu quả”.

Bên cạnh đó, chính quyền huyện Sóc Sơn và các xã liên quan mới đưa kiến nghị của người dân lên trên, chưa tích cực giải quyết vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Chủ trương, chính sách đã có, nhưng các sở, ngành liên quan chưa thực hiện hiệu quả, còn bị động.

Cũng trong cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu giải quyết sự việc trên tinh thần vì lợi ích của người dân. Cụ thể, các cơ quan chức năng xem xét cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ khu liên hợp; xem xét nâng cấp công suất 3 trạm cấp nước hiện có tại huyện Sóc Sơn hoặc xây dựng trạm mới để cấp nước sạch cho người dân; khắc phục tình trạng xe vận chuyển rác không đúng quy cách, tiêu chuẩn; đẩy nhanh tiến độ xử lý khối lượng nước rỉ rác tồn đọng trong khu liên hợp.

Liên quan đến chính sách giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố “vận dụng được cái gì có lợi nhất cho dân thì vận dụng, đồng thời, không để xảy ra việc móc ngoặc cố tình dây dưa, kéo dài để trục lợi chính sách”.

Cùng với đó, cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành các giai đoạn nâng cao năng lực xử lý rác của khu liên hợp, tính toán sớm cả giai đoạn 3; đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn để có thể vận hành vào đầu năm 2021.

Liệu rằng chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội có đưa khủng hoảng ở bãi rác Nam Sơn đi đến hồi kết hay không? Thật tiếc, đây lại cũng là một điều không chắc chắn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ