Sức sống Truyện Kiều trên sân khấu Việt

GD&TĐ - Trải qua hai thế kỉ, Truyện Kiều ngày càng tỏa sáng trên sân khấu truyền thống. Truyện Kiều không chỉ là câu chuyện văn chương nghệ thuật, mà còn là văn hóa - bản sắc - tâm hồn Việt.

Xuyên suốt vở diễn là tiếng đàn – nhờ tiếng đàn mà Từ Hải hồi sinh.
Xuyên suốt vở diễn là tiếng đàn – nhờ tiếng đàn mà Từ Hải hồi sinh.

Khó có tác phẩm văn học nào được tái hiện nhiều lần và đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo như Truyện Kiều. Hàng chục vở sân khấu được dàn dựng và công diễn khắp nơi, nhưng vẫn còn những góc khuất, những mảng miếng đề tài đa dạng để Truyện Kiều tỏa sáng trên sân khấu.

Bi kịch tài sắc

Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã ra mắt khán giả vở diễn “Nguyễn cầm ca – Kiều” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Có lẽ hình ảnh nàng Kiều với cuộc đời 15 năm lưu lạc đầy khổ ải, đau thương thích hợp với những lời ca điệu, hát mềm mại, thướt tha của sân khấu cải lương hơn cả.

Tác phẩm mới “Nguyễn cầm ca – Kiều” do tác giả Nguyễn Văn Hiếu viết kịch bản và được chuyển thể cải lương bởi NSƯT Ngọc Chi. Vở diễn có sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi và hoàn thành một phiên bản mới về cuộc đời và thân phận của nàng Kiều trên sân khấu cải lương đầy hấp dẫn.

Câu chuyện trong vở cải lương “Nguyễn cầm ca - Kiều” vẫn là chuyện xoay quanh cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều. Tác giả tập trung vào phân đoạn Kiều gặp Kim Trọng, bán mình chuộc cha, gặp Thúc Sinh và Từ Hải, với một số tình tiết được làm mới và khác hơn so với nguyên tác.

Tác giả Nguyễn Văn Hiếu cho biết, lần đầu tiên ông viết kịch bản về Kiều và được cố đạo diễn - NSND Anh Tú dàn dựng, đưa lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam vào năm 2016. Thời điểm ấy, vở Kiều được ví như “bom tấn” của sân khấu kịch.

Sau này, Kiều tiếp tục được NSƯT Lê Chức đưa lên sân khấu múa rối. Vở diễn được đánh giá cao tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm. Lần này, Kiều lên sân khấu cải lương với tên “Nguyễn cầm ca – Kiều”. Bản dựng Kiều cho sân khấu cải lương của NSND Hoàng Quỳnh Mai lấy tứ về tiếng đàn, âm nhạc để nhấn mạnh sự đa đoan của nàng Kiều.

Nếu như trong Truyện Kiều, bi kịch của Kiều bắt đầu từ thằng bán tơ sợ tội đổ oan, thì trong “Nguyễn cầm ca - Kiều” bi kịch của nàng lại xuất phát từ lý do tài sắc vẹn toàn. Mụ Tú Bà bày mưu tính kế, sai người giăng bẫy và tìm cách để buộc nàng phải vào lầu xanh. Còn thằng bán tơ, Mã Giám Sinh đều là tay sai - đại diện cho thế lực hắc ám đen tối trong xã hội.

Những phân đoạn khác như Kiều gặp Thúc Sinh; Hoạn Thư lên kế hoạch đánh ghen cho đến phân đoạn Kiều và Từ Hải, tác giả đều bám khá sát nguyên tác để đem lại tính thực tế.

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã đưa tiếng đàn của nàng Kiều trở thành điểm nhấn, như một sợi chỉ xuyên suốt vở diễn. Tiếng đàn với Kim Trọng trong sáng, thiêng liêng, tiếng đàn với Thúc Sinh khi còn trong lầu xanh thì bức bối, khi là Hoa Nô thì cay đắng, tủi hờn.

Từ Hải hồi sinh từ tiếng đàn

“Nếu như Từ Hải không chết thì nàng Kiều sẽ được nâng niu, ôm ấp cả cuộc đời, không còn hồng nhan bạc phận nữa. Vì vậy, Từ Hải phải sống để yêu thương và bảo vệ nàng Kiều. Đó là một kết thúc có hậu và là mong muốn chung của nhiều người, cho dù điều đó không giống nguyên tác”. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai

Đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, chị lấy tứ cây đàn và âm nhạc từ một tài liệu nghiên cứu Truyện Kiều của GS Trần Văn Khê. Cung đàn bạc mệnh trong Truyện Kiều, mỗi cảnh ngộ thì tiếng đàn của Kiều lại mang những sắc thái, tình cảm và âm điệu khác nhau. Chính vì vậy, sân khấu của “Nguyễn cầm ca – Kiều” tràn ngập những hình ảnh, biểu tượng về cây đàn.

Trong phân cảnh với Từ Hải, bởi nhẹ dạ nghe theo lời xui khiến của Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều khuyên Từ Hải quy thuận triều đình để dân chúng không phải chịu cảnh loạn lạc binh đao. Từ Hải mắc bẫy, uất ức chết đứng, tiếng đàn của nàng Kiều là sự day dứt, hối hận khôn nguôi…

Cuối vở cải lương, đạo diễn đã để tiếng đàn của nàng Kiều hồi sinh Từ Hải. Đó là một cách xử lý cực kỳ táo bạo của đạo diễn. Thúy Kiều vừa gảy đàn vừa khóc thương người anh hùng. Tiếng đàn bi thương, ai oán cùng nỗi day dứt đã khiến Từ Hải đang chết đứng từ từ hồi sinh, ngồi xuống và ôm lấy nàng Kiều.

NSND Hoàng Quỳnh Mai quê gốc chính ở Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), cũng là quê hương của cụ Nguyễn Du. Ngay từ nhỏ những câu thơ Kiều và câu chuyện trầm luân của Kiều đã thấm sâu vào kí ức khiến chị luôn muốn làm Kiều theo cách riêng của mình.

Có thể nói, đạo diễn và các nghệ sĩ đã thể hiện những ưu thế nổi trội của nghệ thuật cải lương. Đặc biệt là tận dụng chất thơ vốn dĩ đã rất gần với cải lương của tác phẩm. Với một thiết kế sân khấu không rườm rà, phức tạp, chủ đạo là bốn cây đàn thấp thoáng với tạo hình tượng trưng cho những chi tiết đẹp nhất trên cơ thể của người phụ nữ.

Cốt Truyện Kiều đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng khi xem “Nguyễn cầm ca – Kiều”, khán giả không hề có cảm giác nhàm chán mà thực sự bị hút theo toàn bộ diễn tiến vở diễn.

Thành công của đạo diễn chính là việc lựa chọn diễn viên phù hợp với từng nhân vật. Trong đó có: Như Quỳnh (Thúy Kiều), Minh Hải (Từ Hải), Trung Tuấn (Thúc Sinh)… với sự am hiểu sâu sắc tác phẩm và nội tâm của từng nhân vật mà mình đảm nhận vai.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch - chia sẻ, ông rất hài lòng khi xem một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như “Nguyễn cầm ca – Kiều”. Tác phẩm không chỉ giữ được tư tưởng chủ đạo của Truyện Kiều, mà còn làm nổi bật, khai thác những thông điệp riêng, theo cách nhìn riêng của người làm nghệ thuật sân khấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ