Truyện Kiều và nỗi “đường xa”…

GD&TĐ - Có lần cuộc đời gặp cảnh mưa nguồn chớp bể, tôi vội giở những câu Kiều ra để tìm một sự an trú.

“Một mình lưỡng lự canh chày - Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
“Một mình lưỡng lự canh chày - Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Lời thơ của cụ Tiên Điền cất lên: “Một mình lưỡng lự canh chầy – Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Vậy tôi nên hiểu ý này sao cho vừa tâm tư đây?

Tài – mệnh tương đố, có thật đáng sợ?

Bói Kiều là một nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Đây là phương pháp dự phóng tương lai dựa trên các câu thơ lục bát trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sở dĩ kiệt tác thơ Nôm Truyện Kiều trở thành một phương tiện để nhân gian gửi gắm đời sống tâm linh bởi vì 3254 câu Kiều mô tả bao quát toàn bộ số kiếp chông chênh của người phụ nữ trong vòng xoáy thời cuộc. Đọc 3.254 câu thơ, người ta cũng soi rọi được ít nhiều cảnh tình mình từng gặp.

Bói Kiều không phải mê tín. Quẻ Kiều không cho ra một phán quyết chung cuộc. Cái mà con người ta có được là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh và sự chiêm nghiệm suốt quá trình thực hành văn hóa.

Hai câu lục bát tôi đã chọn nói về nỗi tư lự của Thúy Kiều sau giấc mộng ly kỳ gặp Đạm Tiên và nghe Đạm Tiên tiết lộ: “Mà sao trong sổ đoạn trường có tên”. Khi tỉnh mộng, Thúy Kiều bất giác lo lắng cho cuộc đời của mình, dự cảm về một tương lai “cùng hội cùng thuyền” với phận ca nhi sắc tài nhưng mệnh bạc.

Dự cảm “nỗi đường xa” nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm, khi thì vời vợi theo cái nhìn xa xăm, đoạn thì gập ghềnh khúc khuỷu theo vó câu muôn dặm, lúc thì trĩu nặng bởi cảnh héo úa tàn phai, hồi thì đoạn trường vì tiếng tơ ai oán.

Tuy nhiên, ở góc độ thi pháp ước lệ, dự cảm ấy thuộc về trải nghiệm riêng của nhân vật trong không thời gian tác phẩm, không có nghĩa là ai đọc xong cũng tự vận vào mình. Nếu diễn giải bằng những lý luận định kiến mà chúng ta từng tiếp thu hoặc bằng mối dây liên hệ với thân phận truân chuyên của Thúy Kiều chắc chắn sẽ thiếu sót nhiều thứ. Nói theo diễn ngôn chấp nhặt, thì chẳng lẽ tôi sắp sửa có một bầu trời tương lai đầy bão giông xám xịt?!

Nàng Kiều trong truyện của Nguyễn Du.
Nàng Kiều trong truyện của Nguyễn Du.

Theo ý tôi, việc vận dụng những câu Kiều để cảm nghiệm về cuộc đời và thân phận nên thoát ly văn bản, biến nó thành một thứ năng lượng văn hóa đúng nghĩa nhằm thanh lọc tâm hồn và khơi dậy minh triết, giúp con người đạt được cảm quan nhân sinh tốt hơn, giúp tư tưởng được tự do hơn.

Ngay từ phút mở đầu về một thiên bạc mệnh, tác giả than rằng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” vì lẽ Tài – Mệnh tương đố. Quả thật, chỉ có những mái đầu đi qua thời gian mới có thể cảm nhận rất rõ sự hiện hữu của một chuỗi quy luật bao trùm vũ trụ mà không thể giải thích điều này thành lời. Nếu chúng ta càng chối bỏ thì cơ trời sẽ càng ứng nghiệm.

Vì sao những bậc kỳ tài hay (bị cho là) bạc mệnh? Vì con người không phải bậc đại giác ngộ, không muốn sống thác tuân theo lẽ vô thường, nên tầm vóc hiện thế dẫu có tột đỉnh đến mức nào cũng phải nằm trong vòng kiềm tỏa củacácmối quan hệ, của vị thế “thân bất do kỷ”, của tư tưởng đã theo đuổi, của thỏa ước tự nhiên phải giữ trọn....

Thực tế, rất nhiều người Tài thành sự hay hư sự cũng khó thoát được lời nguyền “tù nhân của thời đại”. Tài năng đem đến khả năng sở hữu những quyền lực tự nhiên. Khai phóng cũng là một dạng quyền lực. Quyền lực thường đi liền với dục vọng – bản ngã, cho đến lúc ngã vọng chạm trán với giới hạn cuối cùng của ngoại giới, của nhận thức thông thường thì họ cũng bắt đầu đối diện với loại “bi kịch mang tính thời đại”, đọng lại thành những lời thơ say, những nụ cười tiếu ngạo, những triết lý bi tráng…

“Đã mang lấy nghiệp vào thân”, thì dù có Tài giỏi vẫn là Tài giỏi trong cái vòng tham sân si hận của kiếp làm người. Kỳ thực, kẻ tài giỏi nên là kẻ biết đủ, biết nhìn xa nhưng không sợ hãi. Không sợ hãi không phải do kiêu ngạo mà vì không còn quá nhiều vướng chấp, thuận theo tinh thần “tâm vô quái ngại”, nhất là không vướng chấp vào sinh – tử, được – mất. Họ tự nhận thức được bản thân mình phải chịu trách nhiệm cho những khổ đau, cho những nghiệp quả lớn lao của đời mình.

Người thực Tài không phải kẻ không sợ trời, không sợ đất, chỉ là họ không vì số mệnh mà lên tiếng “trách lẫn trời gần trời xa”. Lâu dần, họ còn biết thấm thía nỗi đường xa kinh hoàng. Cho nên, nói họ khổ cũng được mà nói họ ngộ cũng được. 

Tiết thành minh - Kiều gặp Kim Trọng. Tranh: Phạm Đức Hạnh nữ sinh Hà Tĩnh
Tiết thành minh - Kiều gặp Kim Trọng. Tranh: Phạm Đức Hạnh nữ sinh Hà Tĩnh

Nỗi sợ hãi tràn đầy tự do

Hai câu Kiều điển hình cho muôn ngàn ý tứ: “Một mình lưỡng lự canh chày - Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” như nhắc nhở thế nhân về vòng lặp trùng điệp của cơ trời mà tương lai là một viễn cảnh mông lung đầy kinh hãi.

Bất kỳ ai ôm mộng cao sang, quyết chí tang bồng, đã lỡ mưu sự dưới vòm trời này, đều có không dưới một lần đem tính mạng, tài sản, địa vị, tình yêu, gia đình, dòng tộc... lên chiếu bạc thi gan với thiên địa. Họ đều trải qua sự bất giác run sợ đó.

Những kẻ Tài cao thường tính xa nghĩ lớn, thường chấp nhận đau thương, thường không mong cầu sự thấu hiểu, thường kiệm lời, thường phớt lờ cảm xúc, họ vừa (chịu đựng) rủi ro vừa (coi thường) cô độc.

Như vậy, trong lúc “lưỡng lự canh chày”, thì ai cũng có nỗi sợ “đường xa. Đó là sợ cơ trời. Đó là lối thoát hiện sinh để một tâm hồn khôi vĩ không bị bóp nghẹn và lạc lõng trong sự khổ ái đầy lý trí. Đó là hình ảnh Khổng Minh phải cầu khẩn mệnh trời để xoay vần chiến cuộc lúc nguy nan. Nhưng kỳ tài cách mấy thì chí nguyện của cổ nhân vẫn tan thành bọt nước khi vướng phải bi kịch vận nước, phận người, con tạo không cách nào lay chuyển nỗi. Những kẻ thiên tài phải chăng luôn có nỗi sợ lớn lao, thường trực và không kém phần đẹp đẽ đó?

Tuy nhiên, con người - với bản chất là một sinh vật đầy tham vọng và khát khao tự do - họ vẫn có mong muốn thách thức các giới hạn, nếu còn một cơ hội dù chỉ là trong ý niệm và khoảnh khắc. Họ vẫn ngày đêm lo sợ và thừa nhận thất bại ngay trong nỗi lo “đường xa”, nhưng mặt khác, với tư cách một con người được sinh ra giữa cuộc đời dâu bể, lỡ riêng mang phận sự, thì có nhiều thứ đáng giá hơn nỗi sợ thất bại để thử mình.

Kẻ có thực Tài thường ý thức rất cao độ về viễn cảnh “đường xa”, nhưng vẫn tin vào bản thân và lẽ sống. Họ vừa biết sợ cái vô hạn muôn trùng vừa muốn cảm ứng, rồi xoay chuyển cơ trời. Đểan ủi bi kịch này và cổ vũ cho khát vọng của người quân tử, cổ nhân vẫn tin rằng: “Tận nhân lực tri thiên mệnh”.

Nếu tách riêng hai câu Kiều để xem xét thì nên hiểu theo nghĩa lớn lao ấy. Nếu người bói Kiều phụ thuộc vào ngữ cảnh và chắp nối với hai câu sau “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi”, rồi cố tình vận vào thân mình thì khác nào đang chấp nhận một tâm thế mất đi tự do. Đó là trải nghiệm xa rời chánh niệm, gần gũi với vô minh.

Khi con người đứng thẳng, dù mưu sự thế nào, đều phải có nhiều phen “lưỡng lự”, đang yên ổn bỗng bất giác âu lo. Đó làtâm thế nhân bản, một cảm xúc chính trực và đẹp đẽ. Thấu hiểu tâm trạng này, chúng ta mới hiểu được những nỗi lo đậm tính ước lệ lịch sử, như Đặng Dung từng cảm thán về thân phận chiến bại trong Cảm hoài: “Trí chủ hữu hoài phù địa trục – Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà” (Vai khiêng trái đất mong phò chúa/ Giáp gột sông trời khó vạch mây - bản dịch của Phan Kế Bính).

Hoặc ta hiểu cho chính sự lưỡng lự của ta ở quá khứ và can đảm hơn để đối diện với thực tại. Dù thực tại có trái ngang song tâm thế không hề tiểu nhược, khí chất vẫn vẹn nguyên như câu: “Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” (Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày – bản dịch của Phan Kế Bính).

Chính vì nỗi sợ “đường xa”, chúng ta biết sống trách nhiệm hơn với cuộc đời, với người thân, với bằng hữu. Biết cơ trời là hiển nhiên, vậy có gì phải sợ? Biết rõ cớ sự hiển nhiên thì càng nên để tâm tưởng tự do, càng có nhiều tự do là càng có nhiều hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.