Học trò là động lực cố gắng
Dù đã là tiết cuối buổi sáng song bài học về các bộ phận trên cơ thể người môn Sinh học ở lớp 8B, Trường THCS Quý Sơn số 1 vẫn diễn ra sôi nổi. Học sinh thích thú vì được xem những hình ảnh minh họa sinh động, khai thác trên mạng Internet và được trình bày qua hệ thống máy chiếu. Đây là một trong những ý tưởng sáng tạo do thầy giáo Vũ Công Phong áp dụng nhiều năm nay.
Tốt nghiệp Khoa Sinh - Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, tháng 7/2007, thầy Phong nhận nhiệm vụ công tác ở Trường vùng cao THCS Sa Lý. Năm 2015, thầy chuyển công tác về Trường THCS Quý Sơn số 1. Quá trình công tác thầy tự học nâng cao trình độ thạc sĩ, trau dồi kiến thức ngoại ngữ, tin học, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Nhận thấy không ít HS vẫn còn thói quen học thụ động, lười nghiên cứu sách vở, tài liệu để tìm hiểu sâu kiến thức, thầy trăn trở tìm giải pháp để các em yêu thích, hứng thú với việc học.
Với lợi thế chuyên ngành đào tạo Sinh - Hoá, thầy Phong vận dụng linh hoạt kiến thức hai lĩnh vực để biến nhiều ý tưởng sáng tạo thành mô hình, sản phẩm hữu ích. Nhiều lần thất bại, tiền lương hằng tháng không đủ bù lỗ chi phí mua thiết bị thử nghiệm làm mô hình cũng không làm thầy nản chí.
10 năm trong nghề, đến nay, thầy giáo trẻ có hơn 20 sáng kiến, mô hình khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực tiễn, góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Tiêu biểu như: “Ứng dụng bản đồ tư duy dạy học chương Biến dị môn Sinh học lớp 9”; “Cải tiến bộ phận kết nối kính hiển vi với máy tính trong dạy môn Sinh học lớp 6”; mô hình “Tháp sinh thái trồng rau thủy canh”... Mới đây, thầy Vũ Công Phong đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2016 - 2021 vòng thi năng lực.
Cống hiến cho cuộc sống
Đầu tháng 11 vừa qua, thầy Phong vinh dự được Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh trao giải Ba Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm 2017 với mô hình “Ứng dụng ngôn ngữ lập trình C vào dạy học trải nghiệm sáng tạo”. Bên lề lễ trao giải, chủ nhân của giải thưởng chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi đứng trên bục vinh danh”.
Trước đó, thầy được Đài Tiếng nói Việt Nam trao giải thưởng thi tìm hiểu về APEC - 2017, Bộ GD&ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu đổi mới, sáng tạo trong năm học 2016 - 2017. Hàng chục mô hình, sản phẩm sáng tạo kỹ thuật do thầy giáo Phong nghiên cứu và hướng dẫn HS trải nghiệm đều chung mục đích phục vụ việc dạy và học tốt hơn, khắc phục những bất cập, khó khăn từ thực tiễn đời sống. Nhớ lần về thăm người thân ở Hải Dương chơi, chứng kiến người hàng xóm bị khiếm thị loay hoay không qua được đường vì không có người thân hỗ trợ, thầy Phong đau đáu suy nghĩ cần phải tìm ra “ánh sáng nhân tạo” có tác dụng chỉ đường giúp người kém may mắn thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Sau nhiều lần mày mò tính toán, thầy giáo trẻ nghiên cứu thành công vòng nguyệt quế hỗ trợ người khiếm thị, thầy cho biết.
“Nhờ có thiết bị vi điều khiển Arduino Nano có vai trò như bộ phận xử lý tín hiệu cảm biến siêu âm nên khi đeo vòng này vào đầu, người khiếm thị được báo động bằng âm thanh hoặc rung để tránh vật cản phía trước, giúp dễ dàng hơn di chuyển”. Chi phí chiếc vòng chỉ với 200.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với thiết bị khác bán ngoài thị trường. Ngay sau khi mô hình được công nhận, thầy giáo trẻ tặng món quà này cho người khiếm thị có công khơi nguồn ý tưởng sáng tạo ở Hải Dương sử dụng.