“Đất lạ hóa quê hương”
Sinh năm 1987 trong gia đình có ba làm nghề giáo nên ngay từ nhỏ, cô giáo Trương Thị Thúy Diễm đã yêu thích nghề dạy học. Tốt nghiệp THPT, cô thi vào Trường ĐH Quảng Bình. Năm 2008, tốt nghiệp đại học cô chọn Kon Tum làm nơi thực hiện ước mơ nghề giáo.
Cô tâm sự, quê cô ở Quảng Bình nhưng anh trai làm ở Kon Tum. Trong suy nghĩ và tưởng tượng của cô, Kon Tum là vùng đất rất khó khăn. Thế nhưng một lần đến Kon Tum, cô cứ ấn tượng mãi với vẻ đẹp riêng, vừa yên bình, thơ mộng nơi đây. Và như một nhân duyên, tốt nghiệp đại học, cô đã chọn Kon Tum để dạy học, rồi cô lập gia đình và gắn bó với nơi này, không muốn rời xa.
Là giáo viên trẻ và cũng là một người mẹ trẻ nên cô Diễm rất đồng cảm với tâm lý của các bậc phụ huynh khi gửi con đến trường. Vì thế, khi trẻ đến trường, cô luôn tận tình, chăm sóc các học sinh như con của mình.
Với tình yêu nghề, cô giáo trẻ Thúy Diễm đã nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp giáo dục và cô đã gặt hái được nhiều thành tích. 10 năm trong ngành Giáo dục năm nào cô Diễm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cô Diễm bộc bạch: Hiện nay mạng thông tin phát triển, hành động của GV đều bị phụ huynh và HS chú ý, vì thế trách nhiệm của người GV càng nặng nề, người giáo viên cần phải tạo được niềm tin đối với học sinh và phụ huynh. Cô may mắn được giảng dạy trường ngay thị trấn nên khá thuận lợi, cùng với đó là các em học sinh ngoan và thật thà. Đó cũng chính là động lực để cô phấn đấu và nỗ lực.
Luôn sáng tạo và đổi mới trong dạy học
Trong quá trình giảng bài, cô Diễm thường xuyên áp dụng, đưa ra nhiều cách học mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Cô tham gia sáng tạo đồ dùng dạy học, đưa đồ dùng dạy học tự làm trong các bài giảng của mình. Cô cho biết, một tiết học dùng đồ dùng dạy học làm không khí lớp học rất vui và thoải mái.
Mỗi giờ học là những bài thực hành qua các hoạt động tự học nên các em học sinh chủ động, tự giác và thật sự cô đã khơi dậy được niềm đam mê học tập và tinh thần sáng tạo của học sinh.
Suốt nhiều năm công tác, cô luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô còn tham gia nhiều cuộc thi do ngành tổ chức và đạt giải cao như: Đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2016 – 2017; Có sáng kiến kinh nghiệm thi cấp huyện đạt loại Khá; Thi viết chữ đẹp cấp trường đạt giải Nhất.
Bên cạnh đó, cô còn tham gia nhiều sáng kiến kinh nghiệm “Bộ đồ dùng dạy học môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội ở tiểu học”; “Một số biện pháp rèn kĩ năng giải toán chuyển động cùng chiều và ngược chiều cho HS lớp 5A4 - Trường TH Lê Quý Đôn”. Những mô hình dạy học khá độc đáo, phong phú hình ảnh, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học.
Cô Diễm chia sẻ: Dạy học là một nghề sáng tạo. Đối với học sinh tiểu học, thiết bị dạy học lại càng đặc biệt quan trọng vì nó giúp các em quan sát sự vật, hiện tượng một cách trực quan, giúp học sinh nhận thức sâu hơn nội dung bài học, hình thành kỹ năng, kỹ xảo. Khi sử dụng đồ dùng dạy học nhiều câu hỏi về nội dung kiến thức và phương pháp dạy học được đặt ra từ thực tế trên lớp, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tìm lời giải đáp nhằm phục vụ cho yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.