Cô giáo mầm non say mê công nghệ

GD&TĐ - “Làm cô giáo mầm non tuy vất vả nhưng rất hạnh phúc. Chính lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên Trường Mầm non Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Cô giáo mầm non say mê công nghệ

Được phụ huynh tin yêu

Nụ cười lấp lánh tràn ngập niềm vui, cô giáo Nguyễn Thị Phượng tâm sự về nghề của mình. Cô cho biết, chưa khi nào cô cảm thấy băn khoăn khi đã chọn nghề dạy học. Bởi hàng ngày tới lớp nhìn các con học sinh thơ ngây, cô càng cảm thấy mình phải cố gắng thật nhiều để làm tròn nhiệm vụ một người mẹ chăm sóc các con khi đến trường.

Theo cô để giáo viên mầm non gắn bó với nghề, điều quan trọng nhất là lòng yêu nghề mến trẻ và sự tận tụy với công việc. Bởi công việc của cô giáo mầm non thường gặp áp lực về mặt thời gian. Ở những khu vực nông thôn như quê cô, các giáo viên mầm non phải có mặt đón trẻ bắt đầu từ 6 giờ 30 phút vào buổi sáng và kết thúc công việc trả trẻ là lúc 5 giờ 30 phút chiều. Chính vì vậy, để làm tròn nhiệm vụ của gia đình, mỗi giáo viên mầm non phải thu xếp và bố trí thời gian thật hợp lý.

Một ngày ở trường của các giáo viên mầm non thường khá bận rộn với việc chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học cho các con. Đặc biệt đối với các nhóm trẻ nhỏ, đòi hỏi giáo viên phải tỉ mỉ từ chăm sóc giấc ngủ đến việc an toàn cho trẻ. Để trẻ phát triển đảm bảo sức khỏe và trí tuệ, việc nuôi dạy trẻ phải tuân theo khoa học và áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy học

Năm học 2016 - 2017 được sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường, cô Nguyễn Thị Phượng được giao nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm lớp 3 tuổi, tổ trưởng tổ 3 tuổi. Là chi ủy viên của Chi bộ, ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, cô luôn xác định rõ trách nhiệm: Phải nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, làm việc có trách nhiệm cao, luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên quan tâm, tham gia các phong trào, các hoạt động của Chi bộ, nhà trường cũng như của Công đoàn.

Cô đã thực hiện tốt cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, tích cực và không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, luôn đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Không những vậy, cô còn hướng dẫn giáo viên trong trường soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng các phần mềm cắt nối nhạc, video; Hướng dẫn giáo viên trẻ thiết kế bài giảng E-learning. Hiện nay toàn trường có 39 giáo viên có 30 giáo viên đã biết soạn giáo án điện tử trong dạy học, 5 giáo viên đã biết thiết kế bài giảng E-learning.

Hiện các tổ chuyên môn đã có email riêng, có kho giáo án điện tử của từng độ tuổi để các giáo viên trong trường cùng tích cực đổi mới việc dạy học. Cô còn hướng dẫn cho cho giáo viên biết sử dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp, tham gia tích cực vào công tác tuyển sinh, luôn nêu cao tinh thần tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của bản thân. Cô Phượng sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp trong công tác chuyên môn như: Bồi dưỡng phương pháp lập kế hoạch năm học, hướng dẫn một số kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, làm chuyên đề về các lĩnh vực để mọi giáo viên cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những cố gắng và nỗ lực của bản thân, năm học 2016 - 2017 cô Nguyễn Thị Phượng đạt giải Nhì Hội thi tuyên truyền việc thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học. Năm học 2016 - 2017 cô được nhận Giấy khen của UBND huyện Phúc Thọ vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đao phủ là nghề phải có nhưng hiếm người nhận làm. Ảnh: Ancient-origins.net

Phúc - họa nghề đao phủ

GD&TĐ - Trên phương diện pháp luật, đao phủ là người thực thi công lý nhưng trên phương diện lương tâm, họ là những kẻ tước đoạt mạng sống một cách tàn bạo.

Minh họa/INT

Viêm khớp cấp tính

GD&TĐ - Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp là do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm tủy xương, ung thư xương...