Từ bệnh nhi 1 tuổi mắc Covid-19: Dịch bệnh không chừa ai!

GD&TĐ - Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 ít hơn người lớn, nhưng bệnh nhi dưới 1 tuổi dễ gặp biến chứng nặng. Lý do là bởi, hệ miễn dịch của trẻ dưới 1 tuổi còn non nớt, đường thở nhỏ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của người dân tại Quận 6 (TPHCM). 	Ảnh: Nhật Thịnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của người dân tại Quận 6 (TPHCM). Ảnh: Nhật Thịnh.

Nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng
Trong số trường hợp lây nhiễm từ người cách ly (BN 1347), có một bé trai 14 tháng tuổi, tại quận 6 (TPHCM). Bệnh nhi có tiền sử tiếp xúc gần với BN 1347 ngày 22, 23, 25, 27/11.

Ngày 30/11, sau khi biết thông tin BN 1347 dương tính, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật TPHCM đã điều tra và đưa bé cùng mẹ đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

Bố bé và các thành viên trong gia đình được cách ly tại nhà. Bé được lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đêm ngày 30/11.

Chia sẻ về ca mắc Covid-19 1 tuổi này, bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhấn mạnh: “Người lớn hay trẻ nhỏ đều có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2”.

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em nhiễm virus ít hơn nhiều so với người lớn. Tỷ lệ trẻ em diễn biến nặng và tử vong cũng ít hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Công cho rằng, điều đó không có nghĩa là trẻ không mắc Covid-19. Đặc biệt, trong bối cảnh miền Bắc nước ta đang bước vào mùa Đông, số trẻ mắc cúm cũng gia tăng. Điều đáng ngại là, các triệu chứng của Covid-19 tương tự cúm.

“Hầu hết, trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, thậm chí không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ diễn biến nặng cần nhập viện, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, thở máy và tử vong vì virus SARS-CoV-2”, bác sĩ Công dẫn chứng.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, trẻ dưới 1 tuổi là nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19 nặng. Lý do là bởi, hệ miễn dịch của trẻ dưới 1 tuổi còn non nớt. Đường thở của trẻ ở lứa tuổi này còn nhỏ. Vì vậy, khi mắc các virus đường hô hấp, trẻ dễ bị nặng hơn.

“Triệu chứng thường gặp nhất của Covid-19 ở trẻ là ho và sốt. Các triệu chứng của Covid-19 ở trẻ em cũng tương tự người lớn, phụ thuộc vào từng cơ địa và tình trạng, diễn biến bệnh. Có trường hợp triệu chứng nhẹ nhàng, có trường hợp triệu chứng được biểu hiện một cách rõ ràng. Nhưng cũng có những trường hợp không có bất cứ triệu chứng gì”, bác sĩ Công cho biết. 

Bên cạnh đó, trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gặp một số triệu chứng khác như: Sốt hoặc ớn lạnh; Ho; Ngạt mũi hoặc chảy mũi; Biếng ăn; Đau họng; Thở nhanh, khó thở; Buồn nôn hoặc nôn; Tiêu chảy; Đau bụng; Mệt, mỏi cơ, buồn bực tay chân (trẻ lớn biểu hiện rõ hơn); Đau đầu; Ăn kém, bú kém đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi.

Chú trọng yếu tố dịch tễ

Tuy nhiên, các triệu chứng của trẻ nhiễm virus cúm cũng tương tự. Vì vậy, bác sĩ Công nhấn mạnh, yếu tố dịch tễ là vô cùng quan trọng để phân loại trường hợp nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Công cảnh báo, trẻ dưới 1 tuổi nhiễm Covid-19 có thể diễn biến nặng hơn. Ngoài ra, những trẻ có tình trạng bệnh đặc biệt cũng gặp nguy cơ diễn biến nặng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Hiện tại, chưa có thuốc gì tiêu diệt được virus SARS-CoV-2. Có nghĩa là, nguyên nhân gây bệnh chưa tiêu diệt được. Chúng ta đang điều trị những biến chứng do virus gây ra và chờ đợi hệ miễn dịch của cơ thể tự chiến thắng virus. Việc điều trị là rất khó khăn đối với những trường hợp bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu”, chuyên gia cảnh báo.

Do đó, bác sĩ Công nhấn mạnh, cách hạn chế lây nhiễm Covid-19 hữu hiệu nhất vẫn là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như: Rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh nhà thường xuyên...

Trước đó, TPHCM phát hiện 2 ca mắc Covid-19 lây nhiễm từ khu cách ly là BN 1342 (nam, sinh năm 1992, quốc tịch Việt Nam, tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines) và BN 1347 (nam, sinh năm 1988, quốc tịch Việt Nam, giáo viên Tiếng Anh, bạn của bệnh nhân 1342). Hiện, cả 2 bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Từ ngày 18 - 28/11, trong quá trình cách ly tại nhà, BN 1342 không tuân thủ quy định cách ly y tế, tiếp xúc gần với 3 người khác gồm mẹ đẻ (ngụ huyện Hóc Môn) và hai người bạn (một nam ở Quận 6 và một nữ ở Bình Thạnh). Trong đó, BN 1347 lây từ BN 1342.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.