Bộ Y tế kêu gọi người dân "đến lượt mình hãy đi tiêm phòng vaccine COVID-19"

GD&TĐ - Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng COVID-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Phát biểu tại cuộc họp sau đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.

Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. 

Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng COVID-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý: "Tôi đề nghị Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vaccine phòng COVID-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19."

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhận định, không có vaccine nào an toàn 100% và không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời với tiêm chủng chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). 

Làm gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19?

TS. BS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng TCMR Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ trên báo SKĐS, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc COVID-19 cần xét nghiệm để đảm bảo không bị nhiễm virus.

Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc nhiễm trùng, cần thông báo cho y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng/tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể đổ oan cho việc tiêm chủng.

Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào, đặc biệt là dị ứng với liều tiêm vắc-xin COVID trước đó.

Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định của buổi tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng.

Phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu. Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế. Cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.

Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng.

Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 2 ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm).

Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39oC, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ,...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.

Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm phòng vắc-xin ngừa COVID-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro không đáng có.

Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắc-xin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ