Những người tiêm vaccine COVID-19 cần theo dõi sức khỏe sát sao trong 48 giờ

GD&TĐ - TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh cần phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vaccine 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để đảm bảo an toàn.

Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế. Ảnh: Như Ý.
Tiêm vắc xin cho nhân viên y tế. Ảnh: Như Ý.

Trong buổi họp báo lúc 10h tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, TS Kidong Park 0 Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm chủng tại Việt Nam được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc.

Vaccine này đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, được WHO phê duyệt để sử dụng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp trên toàn thế giới.

Hiện nhiều nước cũng đang triển khai tiêm vaccine Covid-19. Đây là chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo TS Park, trên toàn thế giới, vaccine ngừa Covid-19 đang không đủ cung ứng, dù tất cả các quốc gia đều muốn mọi người dân được tiêm nhưng số lượng vaccine vẫn còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh vaccine còn hạn chế, WHO rất hoan nghênh định hướng của Chính phủ Việt Nam khi ưu tiên tiêm dựa trên đánh giá nguy cơ.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam lưu ý, dù vaccine đã được thử nghiệm, đáp ứng tiêm chủng an toàn nhưng đây là lần đầu tiên thế giới sản xuất một loại vaccine trong thời gian chỉ 1 năm.

TS Park cũng nhấn mạnh cần phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vaccine 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để quá trình tiêm vaccine đảm bảo an toàn.

Ông Park đánh giá cao trong buổi tiêm đầu tiên, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, người tiêm được cung cấp thông tin đầy đủ và quy trình tiêm an toàn. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới.

WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong quá trình tiêm vaccine để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.

Sốc phản vệ là phản ứng phụ nặng nề nhất có thể xảy ra

Sáng 8/3, về các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca, GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết trên báo Dân trí rằng, bất cứ một thứ thuốc, sinh phẩm y tế, vaccine khi đưa vào cơ thể đều là các tác nhân lạ nên đều dẫn đến những tác dụng phụ nhất định.

“Tác dụng phụ được ghi nhận nhiều nhất khi tiêm vaccine là đau ở chỗ tiêm, nặng hơn thì một số trường hợp bị áp xe nơi tiêm. Nặng nề nhất là sốc phản vệ”, GS Kính cho hay.

Do đó, theo ông khi tổ chức tiêm vaccine, phía Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng các phương án đáp ứng cho các biến chứng bất lợi sau tiêm, kể cả trường hợp sốc phản vệ.

Theo chia sẻ của GS Kính, trước khi tiêm chúng tôi phải hỏi người được tiêm có tiền sử bệnh nền, dị ứng, sốc phản vệ hay không để xem xét họ có được tiêm hay không. Vì mỗi loại vaccine đều có chống chỉ định.

Ngoài ra, có cả một lực lượng theo dõi diễn biến sau khi tiêm, để có thể xử lý nhanh nhất khi có phản ứng bất thường.

Theo công bố của nhà sản xuất, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả miễn dịch sẽ đạt 61-67%. Sau mũi tiêm thứ hai cách đó 21 ngày, hiệu quả miễn dịch sẽ đạt 81% trở lên.

GS Kính cũng cho biết, thời gian bảo vệ của vaccine theo công bố là khoảng 7 tháng. Tuy nhiên, thời gian này còn tùy thuộc từng người và phải đo lượng kháng thể thì mới có thể đánh giá chính xác vaccine còn hiệu quả bảo vệ hay không.

Về lo ngại hiệu quả của vaccine bị ảnh hưởng bởi các biến chủng mới, theo GS Kính, hiện có hơn 4000 biến chủng SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên toàn cầu. Tuy nhiên, sản xuất vaccine cũng giống như làm khuôn mẫu. Chúng ta có thể cải biến các khuôn mẫu đó để “chạy đua” với sự biến đổi của virus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ