Sức khỏe những người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 thế nào?

GD&TĐ - Có thông tin về một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vaccine... tuy nhiên bà Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine và các phản ứng này.

Những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: VTC.
Những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: VTC.

Theo kế hoạch Bộ Y tế cho biết, 13 tỉnh thành phố hiện đang có dịch sẽ được triển khai tiêm vaccine COVID-19, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong tổng số 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ được phân bổ cho các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và cơ sở điều trị COVID-19.

Thời gian triển khai: Tháng 03-04/2021. Từ hôm nay ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu tiêm những mũi tiêm đầu tiên tại Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh; có khoảng 280 y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm trong ngày đầu này.

Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.

Những đối tượng được tiêm đợt 1 gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19; Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm); Quân đội, Công an.

Vaccine AstraZeneca được đóng lọ dạng dung dịch, 10 liều, tiêm bắp 0,5 ml. Vaccine có hạn sử dụng 6-8 tháng. Vaccine mở ra chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vaccine được tiêm cho người trên 18 tuổi.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca sử dụng lần này là vaccine mới, ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra.

Vaccine ngừa COVID-19 sử dụng đợt này là AstraZeneca, mỗi lọ đóng 10 liều, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 12 tuần.

Các điểm tiêm chủng sẽ được tổ chức tại bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế, điểm tiêm lưu động nhưng đó phải là nơi đã được tập huấn về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời.

Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm.

Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây, các biện pháp theo quy tắc “5K”.

Theo bà Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, người được tiêm chủng sẽ là nhóm từ 18 tuổi trở lên, bao gồm cả người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính. 

Hiện chưa có bằng chứng về tuổi tối đa không có chỉ định tiêm vaccine, có nghĩa là chỉ hoãn tiêm với nhóm đang bị bệnh cấp tính, bệnh mãn tính tiến triển, đã sử dụng kháng thể điều trị COVID-19 hoặc từng mắc bệnh COVID-19 và khỏi dưới 6 tháng, những đối tượng khác ngoài nhóm này thuộc nhóm được tiêm ngừa.

Cũng theo bà Hồng, hiện có thông tin về một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vaccine, có khoảng 10% người được tiêm có những phản ứng tại chỗ tiêm như sưng nóng đỏ đau tại vị trí tiêm, khoảng 10% gặp các phản ứng như ớn lạnh, sốt, có thể sốt cao trên 38oC, bồn chồn... Tuy nhiên bà Hồng cho rằng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine và các phản ứng này.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca được WHO phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp vào ngày 15/2/2021. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 25 quốc gia cấp phép cho sử dụng vaccine này, trong đó có Việt Nam.

Trong khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia phê duyệt vaccine này chủ yếu với lý do về khả năng tiếp cận nguồn vaccine.

Vaccine trải qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng tại 4 quốc gia với tỷ lệ bảo vệ khoảng 63% chống lại lây nhiễm, tuy nhiên theo hãng sản xuất, khả năng phòng các trường hợp nặng phải nhập viện và tử vong khi tiêm đủ liều lên tới gần 100%.

Những nhóm nguy cơ được WHO khuyến cáo sử dụng gồm: Nhóm người trên 65 tuổi; nhóm người mắc bệnh nền; nhóm phụ nữ mang thai; nhóm phụ nữ cho con bú; nhóm người có nguy cơ tiếp xúc HIV (không cần thiết phải xét nghiệm nhiễm HIV trước khi tiêm vaccine); nhóm người bị suy giảm miễn dịch (có thể tiêm vaccine nếu họ thuộc nhóm nguy cơ); nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó (vẫn có chỉ định tiêm chủng tuy nhiên không tiêm cho nhóm đang có xét nghiệm dương tính và chỉ tiêm sau khi điều trị khỏi 6 tháng).

Tại Việt Nam, chiến lược cho tiêm phòng vaccine là sử dụng cho nhóm chống dịch tuyến đầu, nhóm tiếp theo là nhóm lao động thiết yếu - cung cấp dịch vụ và đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người, sau đó mới tới nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền.

Sức khỏe những người đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 thế nào? ảnh 1

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ