Đó là quyết định không dễ dàng khi các em sở hữu điểm số đáng mơ ước và có nhiều cơ hội vào các trường đại học khác nhau.
Làm lại từ đầu
Đậu Đăng Thiện là thí sinh có điểm khối A cao nhất tỉnh Nghệ An tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với 29,35 điểm, Thiện cũng là thủ khoa đầu vào Trường ĐH Vinh thời điểm đó. Bất ngờ hơn, Thiện từng có 3 năm là sinh viên của Trường ĐH Dược (Hà Nội). Nhưng em đã quyết định dừng học, về quê ôn thi lại đại học.
Nhớ lại bước ngoặt này, Thiện chia sẻ: “Kết quả học tập 3 năm ở Trường ĐH Dược của em đều ổn. Nhưng điều em thấy không ổn chính là sự lạc lõng, không tìm được đam mê, hứng khởi trong việc học.
Không có động lực phấn đấu, đạt kết quả cao nhất, mà chỉ dừng ở mức độ vừa phải. Lúc đó, em không muốn kéo dài thêm thời gian lạc lõng ấy, và muốn dừng lại, tìm đúng đam mê của mình”.
Sau khi thôi học ở Trường ĐH Dược, Thiện vẫn chưa quyết định sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nào, mà chỉ tập trung ôn thi lại. Thời gian này, em gặp lại thầy cô giáo cũ.
Dù tiếc nuối với lựa chọn từ bỏ học Dược của học trò, nhưng thầy cô vẫn tận tình, tâm huyết chỉ dạy. Từ sự quan tâm của thầy cô, Thiện quyết định theo con đường sư phạm. “Em nhận ra rằng mình thích việc đi dạy, thích nhìn những học sinh nỗ lực tìm hiểu và lĩnh hội những tri thức của nhân loại một cách đầy hứng thú”, Thiện nói.
Sau 1 năm học tập và rèn luyện tại môi trường ngành Sư phạm Hóa học, Viện Sư phạm tự nhiên, Trường ĐH Vinh, Thiện thấy mọi thứ đang như kỳ vọng, dù không ít vất vả. Đặc biệt, vị trí thủ khoa đầu vào là điểm xuất phát thuận lợi, nhưng cũng tạo áp lực “giữ vững phong độ để khẳng định lựa chọn theo ngành sư phạm của bản thân với gia đình, mọi người là đúng đắn”. Tuy nhiên, nam sinh chia sẻ không để áp lực đè lên mình, mà biến nó thành động lực, đẩy mình tiến về phía trước.
Cách đây 2 năm, ước mơ của nữ sinh Lô Thị Kim Phượng (Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An) là vào ngành kiểm sát. Nhưng biến cố gia đình khiến em phải từ bỏ dự định của mình. Bố của Phượng trong lúc làm ăn, kiếm tiền trang trải cuộc sống vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ, đã dính vào ma túy lúc nào không hay.
Sau đó, người đàn ông trụ cột của gia đình bị lực lượng chức năng phát hiện tàng trữ trái phép chất cấm, phải đi cải tạo 2 năm. Nữ sinh dân tộc Thái suy sụp, mặc cảm, thậm chí muốn bỏ học. Nhưng lúc này, các thầy cô giáo đã động viên, thường xuyên trò chuyện để Phượng nhận ra tiếp tục đi học mới là cách để thoát khỏi bế tắc, tạo giá trị cho bản thân mình. Vậy là cô bé xuống trường, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vào đại học.
Kết quả, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Kim Phượng đạt 28,25 điểm khối C, cao nhất trường. Do không đạt điều kiện lý lịch gia đình, Phượng từ bỏ ngành kiểm sát, và tìm con đường khác cho bản thân. Em đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm tiểu học, “vì thích trẻ con và mong muốn được chia sẻ kiến thức, tạo niềm vui, ước mơ cho các em nhỏ”.
Đam mê là động lực phấn đấu
Trở thành cô giáo là ước mơ từ nhỏ của Vi Thị Thuận - nữ sinh quê ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, khi tốt nghiệp lớp 12 và đạt 23 điểm khối A, mẹ Thuận khóc xin con đừng đi học đại học. Dù thời điểm đó, Thuận đã ra Bắc Ninh xin làm công nhân để kiếm tiền nhập học. Lời nói cùng tiếng khóc của mẹ trong điện thoại, khiến Thuận chỉ biết nhắn tin xin lỗi cô giáo, “em sợ không giữ được lời hứa với cô”.
Lúc đó, cô Lô Thị Thơ (giáo viên Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông) đã đến nhà phân tích, vận động bố mẹ cho Thuận được đi học; Đồng thời, liên lạc với Trường ĐH Vinh để xin phép cho em nhập học muộn.
Ước mơ, quyết tâm của con gái cùng sự giúp đỡ tận tình của cô giáo đã thuyết phục được bố mẹ Thuận. Vậy là hành trang nhập học của cô gái chỉ gồm mấy bộ quần áo cũ, số tiền làm thuê dịp hè dành dụm được, và khoản hỗ trợ mà cô giáo kêu gọi.
Là sinh viên sư phạm năm 3, Thuận được hỗ trợ học phí. Em nỗ lực học tập để giành học bổng và được thầy cô giới thiệu học trò để Thuận dạy kèm, kiếm thêm thu nhập. Dù vất vả, nhưng với nữ sinh người Thái, “được học đúng ngành nghề yêu thích, không phải bỏ học là hạnh phúc lớn nhất với em rồi. Những khó khăn vất vả khác, em sẽ cố gắng vượt qua”.
Bước vào năm học thứ 2 tại trường sư phạm, Đậu Đăng Thiện cũng đặt mục tiêu phải đạt kết quả học tập tốt nhất, và học tiếp lên cao học sau khi tốt nghiệp. Bởi điểm đầu vào, hay kết quả học đại học là tiêu chí ưu tiên khi nộp hồ sơ ứng tuyển dạy học sau này.
Năm vừa qua, em cũng đã dạy kèm cho 2 bạn học sinh lớp 10, qua đó, tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm dạy học. Đây cũng là cơ hội để Thiện thường xuyên xem lại kiến thức phổ thông, cũng như tiếp cận những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đậu Đăng Thiện tâm sự: “Điều quan trọng nhất khi theo đuổi một thứ gì đó là đam mê. Nhưng với ngành sư phạm không chỉ đam mê, cần cả sự nỗ lực, kiên trì và một thế giới quan đặc biệt”. Nam sinh cũng tự tin rằng, đây là giai đoạn giáo dục có nhiều đổi mới, cần những người trẻ dám tiên phong, khả năng học tập cái mới và thích ứng cao. Vì vậy, sẽ luôn có “đầu ra”, có chỗ dành cho người đam mê, quyết tâm, dám nghĩ dám làm.