Vì sao số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành sư phạm tăng?

GD&TĐ - Cùng với việc thay đổi của Chương trình GDPT và chính sách học phí, một tín hiệu vui là những năm gần đây số lượng hồ sơ đăng ký vào trường phạm có sự gia tăng.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho SV. Ảnh tư liệu
Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho SV. Ảnh tư liệu

Hồ sơ đăng ký tăng do đâu?

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đối với các ngành đào tạo giáo viên những năm gần đây số lượng hồ sơ và điểm chuẩn đều tăng.

Việc tăng này chủ yếu đến từ tác động của những chính sách tuyển sinh, phương thức truyền thông đã làm cho thí sinh hiểu rõ tính chất, vai trò và tầm quan trọng của ngành nghề này trong bối cảnh hiện tại, các thí sinh xếp học lực giỏi quan tâm nhiều đến nhóm ngành này.

Trong đó, một số ngành như Sư phạm Hóa học, Sư phạm Toán… năm nay chỉ tiêu dành cho phương thức học bạ không nhiều, khu vực tuyển sinh trong cả nước và số lượng thí sinh có nguyện vọng đăng kí vào ngành này cũng cao, nên điểm chuẩn sẽ cao.

Hơn nữa, ngành Sư phạm Hóa học là ngành đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (Tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN) cùng với ba ngành khác của Trường: Tâm lý học, Sư phạm Lý, Giáo dục tiểu học nên thu hút nhiều thí sinh hơn.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

“Về điểm chuẩn, hiện tại chúng ta chỉ có thể phán đoán dựa trên sàn nhưng thực tế thì nó phụ thuộc rất lớn vào số lượng thí sinh đăng kí và điểm của những thí sinh đăng kí này.

Và để đáp ứng được nguyện vọng sở thích ngành nghề của thí sinh, cơ chế tuyển sinh cho phép thí sinh đăng kí nhiều nguyện vọng, nên cảm thấy mình có cơ hội nguyện vọng nào hoàn toàn có thể đăng kí vào đó. Kinh nghiệm cho thấy với điểm sàn đặt ra, điểm chuẩn có thể cao hơn 1 đến 2 điểm” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Thực tiễn tạo cú hích cho ngành sư phạm

Chia sẻ về chuyện thiếu giáo viên hiện nay và cơ hội nghề nghiệp của ngành sư phạm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, bối cảnh này đã làm cho nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng.

Việc tăng số lượng nguyện vọng có thể do nắm bắt thông tin từ năm 2018 Bộ GD&ĐT đã ban hành chính thức Chương trình GDPT 2018 (Chương trình GDPT mới). Chương trình này áp dụng vào năm 2020 đối với lớp 1, đang cuốn chiếu dần năm nay là lớp 2, 6.

“Trong lộ trình 4-5 năm sắp tới thì việc cần đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ là yêu cầu cấp thiết đối với thực hiện chương trình.

Ngoài ra trong chương trình cũng có một số môn học/HĐGD mà trước đó chưa có như Hoạt động trải nghiệm, môn Lịch sử - Địa lí, môn Khoa học tự nhiên… Cho nên, số thí sinh đăng ký nguyện vọng ở những ngành này sẽ có tăng và những ngành truyền thống mà luôn được thí sinh quan tâm cũng tăng như Sư phạm Toán, tiếng Anh, Ngữ văn…” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận giải Nhất “SV nghiên cứu khoa học năm 2020”.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhận giải Nhất “SV nghiên cứu khoa học năm 2020”.

Thêm vào đó là sự tác động của Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên các ngành đào tạo giáo viên. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, sau khi trúng tuyển và theo học tại trường thì nhà trường sẽ theo dõi tiến độ học tập và báo cáo về UBND các tỉnh (nơi đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí). Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ báo kết quả học tập với cấp tỉnh đã hỗ trợ hoặc đơn vị hỗ trợ khác để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục.

Cụ thể của các việc này là: (1) Giáo viên, giảng viên giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục. (2) Công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước về giáo dục. UBND cấp tỉnh sẽ bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà em đã theo học theo quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Như vậy, việc hỗ trợ việc làm cho các em cũng được địa phương rất quan tâm, đây cũng là yếu tố tác động đến việc làm ngay khi ra trường.

Trường sư phạm đóng góp gì trong Chương trình GDPT mới?

Nói về việc đóng góp của trường ĐH Sư phạm trong việc áp dụng Chương trình GDPT mới, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, để giúp giáo viên cả nước có thể hiểu và dạy được Chương trình GDPT mới, một số trường sư phạm trong đó có Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã tham gia biên soạn tài liệu tập huấn và tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chương trình tập huấn dự kiến có 9 mô-đun và đã bồi dưỡng xong 3 mô-đun đầu. Sắp tới sẽ bồi dưỡng tiếp một số mô đun thiết yếu nữa để đảm bảo giáo viên và cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước có thể nắm vững và triển khai được chương trình mới hiệu quả. 

Trường ĐH Sư phạm TPHCM tập huấn về CTGDPT mới cho giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục khu vực phía Nam.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM tập huấn về CTGDPT mới cho giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục khu vực phía Nam.

“Trường ĐH Sư phạm TPHCM tham gia tích cực trong hoạt động này và là trường phụ trách bồi dưỡng nhiều giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà nhất trong cả nước với địa bàn 19 tỉnh thành bao gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và TPHCM” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới cũng tác động tới công tác dạy và học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, không chỉ chương trình đào tạo, nhà trường còn triển khai đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới với quan điểm mới. Trong đó, các giảng viên đã được tập huấn chương trình, được xác lập quan điểm đào tạo theo chương trình mới mà các yêu cầu về rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, thực tập sư phạm và rèn nghề đều được chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Cụ thể từ năm 2016, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã nghiên cứu, tìm hiểu các xu hướng đổi mới trong giáo dục và rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Đến năm 2018 và gần nhất là năm 2020, nhà trường đã tổng rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo để chương trình cập nhật sát hơn những thay đổi trong giáo dục, đặc biệt là GDPT nhằm giúp cho sinh viên ra trường không bỡ ngỡ và có thể dạy ngay được theo chương trình mới.

“Song song với đổi mới, cập nhật chương trình, nhà trường cũng có nhiều cải tiến trong hoạt động dạy và học để những giờ học trên giảng đường sẽ là những buổi "thực tập" về phương pháp dạy và học giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn và vững vàng hơn khi ra trường giảng dạy” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực tập đứng lớp.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực tập đứng lớp.

Tố chất cần thiết của một sinh viên sư phạm:

- Cần có tấm lòng cảm thông và bao dung, niềm đam mê và hoài bão cũng như sự kiên trì, sẵn sàng đối mặt với thử thách và sự tìm tòi và thay đổi bản thân

- Luôn lạc quan và tích cực, hướng đến giá trị nhân văn và sự phát triển của con người, thương yêu và nâng đỡ đời sống tinh thần của người khác, động viên và khuyến khích người khác hoàn thiện….

- Về năng lực, cần có sự linh hoạt và tư duy tổng hợp, tư duy hệ thống và thực tiễn, có khả năng quan sát và diễn đạt, có khả năng rèn luyện cho học sinh những giá trị, kỹ năng cần thiết…

Lẽ nhiên, lòng yêu nghề, yêu thương con người bằng sự rung cảm đích thực, hướng đến sự phát triển là điều cần thiết không kém.

Những điều làm nên sự thành công của một giáo viên tương lai:

  • Sự nhiệt tình và cẩn thận;
  • Tôn trọng nghề nghiệp và học sinh;
  • Xác định rõ các mục tiêu của bài học;
  • Kĩ năng tổ chức, lãnh đạovà quản lý lớp học;
  • Khả năng thiết kế chương trình giảng dạy;
  • Đam mê công việc giảng dạy;
  • Giao tiếp với phụ huynh;
  • Học hỏi và phát triển bản thân không ngừng.

    (GS.TS Huỳnh Văn Sơn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.