Sửa đổi Luật Giáo dục đại học hướng tới tương lai nhiều hơn

GD&TĐ - Là chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới, ông Dilip Parajuli đã có những đánh giá tích cực về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đồng thời cho rằng Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi đúng hướng nhằm phát triển hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Tự chủ đại học sẽ mở ra hướng hội nhập sâu rộng hơn cho cả hệ thống
Tự chủ đại học sẽ mở ra hướng hội nhập sâu rộng hơn cho cả hệ thống

Dự thảo Luật có tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Được biết ông và nhóm chuyên gia của WB đã nghiên cứu rất kĩ để đưa ra ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Xin cho biết nhận định chung của ông về dự thảo này?

- Từ phía WB, có những điểm sửa đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mà chúng tôi cho là đang đi đúng hướng. Theo đó, trước hết dự thảo Luật củng cố hơn nữa ý tưởng phải cải cách hệ thống giáo dục đại học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình. Về tự chủ, trong dự thảo Luật đã làm rõ hơn, tự chủ không phải chỉ là tự chủ về tổ chức nhân sự mà là tự chủ về chuyên môn học thuật, cũng như tự chủ về tài chính. Đây là điểm rất tốt trong dự thảo Luật lần này.

Thứ 2, dự thảo đã tăng cường cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình gắn với tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Theo thông lệ quốc tế, tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình và trong dự thảo lần này đã gắn được 2 khái niệm đó với nhau. Tất nhiên, vẫn còn dư địa để cải thiện, hoàn thiện Luật hơn nữa về khía cạnh này.

Thứ 3, dự thảo Luật có tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hướng tới các trường phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội. Chúng tôi cho rằng, đây là nỗ lực rất có ý thức của các bên tham gia vào xây dựng dự thảo. Hiện nay, trong dự thảo quy định 30% thành viên của Hội đồng trường phải đến từ bên ngoài nhà trường, tỷ lệ này không phải cao lắm, nhưng đây là bước đi đúng hướng.

Theo thông lệ tốt trên thế giới, Hội đồng trường có tỷ lệ rất cao các thành viên không phải là người của nhà trường, để họ có thể đưa ra được những định hướng chiến lược, cũng như những phản hồi, hỗ trợ mang tính độc lập, hỗ trợ cho sự phát triển của trường.

Về tổng thể, dự thảo Luật rất thống nhất với thông lệ tốt của quốc tế và nó sẽ đặt nền móng quan trọng để thực hiện các định hướng chiến lược như được phác thảo trong Chiến lược phát triển giáo dục đại học cũng như quy hoạch giáo dục đại học mà Chính phủ đang xây dựng.

Hiện nay, Chiến lược về phát triển giáo dục đại học có 4 trụ cột, tất cả đều nhằm tới nâng cao chất lượng, cũng như sự phù hợp của hệ thống giáo dục đại học trong dài hạn. Nhưng trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn thì tập trung vào 3 trụ cột, đó là: Quản trị đại học; cơ chế đảm bảo kinh phí, hay tài chính cho giáo dục đại học; tăng cường hệ thống ở các khía cạnh khác nhau. Chúng tôi hy vọng, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang được dự thảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phát triển hệ thống giáo dục đại học mà Chính phủ đang xây dựng.

WB đã có những góp ý rất cụ thể, chi tiết cho dự thảo Luật. Ban soạn thảo đã cầu thị, ghi nhận những đóng góp này như thế nào, thưa ông?

- Trước khi đi vào nội dung này, tôi xin tóm tắt lại những ý chính WB đóng góp cho dự thảo Luật và nhóm biên soạn, đó là: Luật nên theo hướng mở hơn và phải được thiết kế cho gọn hơn; quy định rõ, mạnh hơn về trách nhiệm giải trình; phải có một cơ chế hết sức minh bạch để phân bổ nguồn kinh phí cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập….

Nhìn chung, Ban soạn thảo đã rất cầu thị, đồng ý với ý kiến bình luận của chúng tôi và cho biết sẽ phản ảnh ý kiến của chúng tôi vào trong dự thảo Luật ở phiên bản tới đây.

WB vui mừng được tiếp tục hỗ trợ, làm việc với Bộ GD&ĐT và ban soạn thảo để có thể đưa vào những bình luận của chúng tôi, dựa trên cơ sở xem xét tính khả thi trong bối cảnh của Việt Nam; đồng thời đảm bảo tính nhất quán để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện ý tưởng trong Chiến lược về phát triển giáo dục đại học, cũng như quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học hiện nay.

Giáo dục ĐH Việt Nam có suất sinh lời lớn

Kết quả thống kê hàng quý về tỷ lệ số lao động có việc làm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lao động có trình độ đại học hơn 5 triệu, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học khoảng 4%. So với thế giới, đây có phải tỷ lệ cao, thưa ông?

- 4% của 5 triệu có nghĩa là khoảng 200.000, nghe có vẻ là con số lớn, nhưng thực ra không phải là lớn so với các nước khác trên thế giới.

Điểm thứ 2 tôi muốn nói liên quan đến nội dung này là suất sinh lời của giáo dục đại học. Các chuyên gia WB chúng tôi đã phân tích và thấy rằng, so với suất sinh lời của đào tạo nghề hay giáo dục phổ thông, suất sinh lời của bậc đại học là cao nhất; đồng thời Việt Nam cũng có suất sinh lời ở bậc giáo dục đại học cao nhất trong khu vực. Đây là lý do hoàn toàn xác đáng để chúng ta thúc đẩy hơn nữa đầu tư khu vực công cũng như đầu tư của tư nhân vào giáo dục đại học.

Liệu có mối liên quan nào giữa mức học phí thấp và tỷ lệ sinh viên không kiếm được việc làm sau khi ra trường?

- Tôi không nghĩ có mối tương quan giữa mức học phí và khả năng tìm việc của sinh viên, hay ít nhất chưa có bằng chứng nào cho thấy có mối liên kết giữa 2 nội dung này.

Về học phí, chúng ta thấy Chính phủ sẽ theo hướng trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học để họ có thể tự xác định mức học phí của mình. Về chủ đề này, WB sẽ không nêu quan điểm là Chính phủ cần đi theo hướng nào, nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xem các nước làm thế nào trong việc quản lý vấn đề học phí. Đặc biệt trong bối cảnh có những hạn chế, khó khăn về ngân sách, cũng như tăng cường tự chủ, thì cơ chế xác định học phí cần xác định như thế nào, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến.

Nếu Chính phủ cùng hỗ trợ các trường để xác định mức học phí thì học phí cần được xác định trên các nguyên tắc: Mức học phí phải dựa trên cơ chế cạnh tranh; mức độ tự chủ các trường; trên mức độ cân nhắc về công bằng, tính bền vững và điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Kinh nghiệm quốc tế, chỉ 20% - 30% tổng ngân sách của các trường là từ nguồn thu học phí, còn lại đến từ ngân sách phân bổ của Chính phủ, ngân sách các nhà đầu tư, khoản tiền hiến tặng của cá nhân, thu nhập từ nghiên cứu… Một trường đại học không nên phụ thuộc quá nhiều vào thu học phí.

Xin cảm ơn ông!

Sửa đổi Luật Giáo dục đại học hướng tới tương lai nhiều hơn ảnh 1Ông Dilip Parajuli. 
"Chính phủ Việt Nam đang làm 3 việc mà chúng tôi cho rằng đã đi đúng hướng, đó là: Đang sửa đổi Luật Giáo dục đại học hướng tới tương lai nhiều hơn; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đại học cũng với quan điểm hướng tới tương lai tốt hơn rất nhiều với khung thời gian cho 10 năm và tầm nhìn 15 năm tới. Chính phủ cũng đang có kế hoạch phát triển một số trường đại học để trở thành những trường đi đầu trong khu vực, kể cả về học thuật cũng như năng lực nghiên cứu. WB vinh dự được tham gia vào những nỗ lực này”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.