Buổi gặp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Nguyễn Viết Lộc.
Chuyển lời chúc mừng, lời tri ân sâu sắc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, công viên chức ngành Giáo dục cả nước đến các phóng viên, biên tập viên chuyên trách giáo dục, cũng như toàn thể các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm:
Ngành Giáo dục đã và đang triển khai rất nhiều những chủ trương, kế hoạch lớn nhằm đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, như: Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; sửa đổi, bổ sung hai luật là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục đại học; tiếp tục giữ ổn định và đảm bảo chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Cùng với đó là các nội dung khác như đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý học đường, qui tắc ứng xử văn hoá, bạo lực học đường, tuyển sinh đầu cấp…
Xác định cái mới luôn đi liền với khó khăn, thử thách, Thứ trưởng cho rằng, việc tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội là một trong những nhân tố quan trọng tới sự thành công của công cuộc đổi mới.
Chánh văn phòng Nguyễn Viết Lộc chúc mừng các phóng viên, biên tập viên theo dõi giáo dục nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. |
“Chúng tôi đánh giá cao sự chung tay, góp sức của các cơ quan báo chí, truyền thông, của cá nhân các phóng viên, biên tập viên trong quá trình tạo ra tiếng nói đồng thuận từ xã hội; sự chủ động tích cực của các cơ quan báo chí trong việc chuyển tải những chủ trương, chính sách về giáo dục của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục tới các tầng lớp nhân dân và các em học sinh, sinh viên.
Các đồng chí đã phối hợp cùng chúng tôi phát hiện, tuyên truyền những tấm gương tốt, những việc làm đúng, những nhân tố tích cực, phê phán những việc làm chưa tốt xảy ra trong ngành giáo dục. Đó là sự cổ vũ, động viên quý giá đối với thày và trò, đối với những người làm công tác quản lý giáo dục. Báo chí trong năm qua đã thực hiện tốt vai trò phản biện, giúp cho chúng tôi kịp thời điều chỉnh một số chủ trương, giải pháp để có hiệu quả tốt hơn” – Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ghi nhận sự đóng góp của báo chí.
Chia sẻ giáo dục là ngành đặc thù, với sự tác động rộng khắp tới gần như toàn xã hội, theo Thứ trưởng, đối với một ngành mà mọi thông tin đều dễ dàng trở nên “nhạy cảm” như ngành Giáo dục thì sự sẻ chia, đồng thuận và đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ giúp cho ngành có được những điều chỉnh, thay đổi kịp thời phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn.
Các phóng viên theo dõi giáo dục tại buổi gặp mặt báo chí tại Bộ GD&ĐT |
Lắng nghe và phối hợp chặt chẽ với báo chí là việc ngành Giáo dục đã làm và tiếp tục làm để các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên có được nguồn thông tin kịp thời, chính thống về chủ trương, đường lối, các quyết sách, kế hoạch, chỉ đạo của ngành.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là cởi mở với báo chí, thông qua báo chí để xã hội nhìn nhận rõ hơn những trăn trở, nỗ lực của ngành. Trong thời gian tới, từ Bộ đến các Sở, các cơ sở giáo dục sẽ dành có nhiều hơn những cuộc gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với báo chí. Ngành giáo dục cũng sẽ thực hiện phân cấp công tác truyền thông để nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cấp cơ sở trong quá trình đồng hành cũng báo chí.
Trước mắt và lâu dài, ngành Giáo dục còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Nhiệm vụ còn rất nặng nề, các bước đi phải thận trọng và trách nhiệm. Vì vậy, ngành Giáo dục mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền chính xác và kịp thời các chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các nhà báo tiếp tục dành sự quan tâm, động viên, góp ý kiến với ngành, giúp cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời, cũng mong sẽ có thêm nhiều hơn những cuộc gặp gỡ như hôm nay để cùng hiểu, cùng chia sẻ, bắt tay đồng hành trên con đường vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo.