* Phóng viên: Một trong những chuyện rất “nóng”- gây tranh luận lâu nay là việc tăng quyền tự chủ- tăng trách nhiệm giải trình xã hội cho các cơ sở GDĐH. Chính phủ đã có quy định về vấn đề trên, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn đang dang dở… Theo ông, Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung, nên đề cập vấn đề khá nan giải này ra sao?
PGS-TS Bùi Anh Thủy
- PGS.TS Bùi Anh Thủy: Giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD-ĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định, nhằm “đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT”.
Theo quy định của Luật Giáo dục 2012 hiện hành, trường ĐH có quyền tự chủ trong 5 lĩnh vực sau: 1) Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; 2) Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp; 3) Tổ chức bộ máy; 4) Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực; và 5) Hợp tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là mức độ tự chủ thì chưa được quy định cụ thể.
Thực tế, các trường ĐH phải chịu trách nhiệm đại diện cho khá nhiều lợi ích và các cơ quan bên ngoài: phải có trách nhiệm xã hội đối với các chức năng mà họ thực hiện; có trách nhiệm với các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp về tính hiệu quả trong hoạt động, về việc kiểm soát hành vi của giảng viên (GV) và của sinh viên (SV), về sự công bằng cần thiết và trình tự thủ tục trong việc ban hành các quyết định nội bộ.
Khi chuyển từ cơ chế Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát, thì quyền tự chủ của các trường ĐH tăng lên và trách nhiệm của Nhà nước giảm đi và ngược lại. Có thể nói, “trách nhiệm” nói chung, trong đó có “trách nhiệm giải trình” nói riêng, là một nguyên tắc gắn liền với việc đổi mới GDĐH, trong khi “quyền tự chủ” là một thuộc tính vốn có của các khái niệm truyền thống đối với trường ĐH.
* Phóng viên: Quy định về Hội đồng trường (HĐT) đã có từ mấy năm nay. Tuy nhiên cả nước mới chỉ có 17 trường ĐH thành lập HĐT là quá ít và hầu như các HĐT này có vai trò rất mờ nhạt trước Đảng ủy- Ban Giám hiệu… Tại sao lại như vậy?
- Khi hướng tới tự chủ ĐH thì HĐT phải có thực quyền và được quyết định chiến lược phát triển, giám sát hoạt động của nhà trường, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và xã hội. Thực tế hiện nay, một số cơ sở GDĐH của ta đã thành lập HĐT, nhưng các HĐT này hoạt động không hiệu quả, do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Theo quy định, HĐT có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 15 thành viên; có 1 Chủ tịch và 1 Thư ký hội đồng. Thành phần gồm: a) Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn trường; b) Đại diện GV, nghiên cứu viên của một số khoa, viện; c) Đại diện của cơ quan trực tiếp quản lý trường; d) Một số thành viên bên ngoài, không phải là GV, cán bộ quản lý cơ hữu của trường…
Luật GDĐH hiện hành quy định HĐT do Hiệu trưởng tiến hành chọn thành viên trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Do vậy ở hầu hết các trường đã thành lập HĐT, thành phần HĐT không đảm bảo tính khách quan cần thiết và HĐT không thể làm tốt vai trò là cơ quan”quyền lực” thực sự của trường được. Đó là lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng trên.
Để HĐT phát huy được vai trò như kỳ vọng, cần có những quy định phân định rõ, cụ thể cơ chế: mức độ can thiệp của cơ quan Nhà nước, sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, mối quan hệ công vụ giữa tổ chức Đảng với HĐT. Những vấn đề này cần được minh định trong Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi.
* Phóng viên: Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung đưa ra quy định mới: các cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo, chứ không theo nhóm ngành (khối ngành) như hiện hành. Ông có thể cho biết quan điểm?
- Từ trước đến nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH được tính theo nhóm ngành là có cơ sở của nó. Vì GV của những ngành trong cùng một nhóm ngành của một trường, có thể tham gia giảng cả những môn thuộc ngành học khác trong cùng nhóm ngành, khối ngành. Và việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính gộp chung, dựa trên năng lực tổng thể đội ngũ GV của toàn cơ sở GDĐH là phù hợp.
Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi nội dung này, quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành là có phần máy móc, có tính chia cắt và như thế nó hạn chế việc huy động khai thác nguồn lực chuyên môn trong một trường ĐH. Do vậy cá nhân tôi cho rằng, vẫn nên giữ nội dung này như đang thực hiện lâu nay.
* Phóng viên: Luật GDĐH lâu nay quy định có 2 hình thức đào tạo: GD chính quy và GD thường xuyên. Dự thảo Luật GDĐH mới đổi tên là: đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Theo ông, vấn đề cần nhìn nhận như thế nào?
- Tôi cho rằng quy định như Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi là hoàn toàn phù hợp. Với tên gọi mới đó, pháp luật đã xác định rõ cả hai hình thức đào tạo nêu trên không có sự khác biệt về nội dung, chương trình, chất lượng, mà chỉ khác về phương thức dạy và học, phù hợp với những nhóm đối tượng người học khác nhau. Kết quả của hai phương thức đào tạo này là người hoàn thành khóa học sẽ có được lượng kiến thức tương đương nhau và nhận tấm bằng như nhau. Đó là sự công nhận mang tính Nhà nước thông qua điều khoản Luật quy định.
Nhân đây, tôi muốn nói việc một số cơ quan hay một vài địa phương nào đó, tự ý đưa ra kết luận tùy tiện và có thái độ kỳ thị những người sở hữu tấm bằng ĐH theo hình thức vừa làm vừa học như: không tuyển vào cơ quan Nhà nước, hoặc không đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Những chủ trương đó là bất công và nhất là nó trái pháp luật.
Một số người mặc định rằng, chất lượng của hình thức đào tạo vừa làm vừa học thấp hơn đào tạo tập trung, vậy họ giải thích thế nào việc người ta vẫn đang phê phán gay gắt chất lượng của cử nhân “chính quy”, thậm chí cả thạc sĩ, tiến sĩ.
Nghĩa là, chất lượng thấp trong GD không phải do hình thức đào tạo “chính quy” hay “tại chức”, mà là do cơ sở GDĐH cụ thể nào đó tổ chức tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả thế nào và người học đã học hành, nghiên cứu, thi cử ra sao?
Đào tạo không tập trung hay vẫn gọi là vừa làm vừa học có lợi thế không thể phủ nhận là: người học đã, đang làm những công việc liên quan đến ngành mà họ theo đuổi việc học và do vậy họ có sự trải nghiệm, đối chiếu, liên hệ và do vậy họ sẽ học tốt, tiếp thu sâu hơn những người không có điều kiện như vậy.
Do điều kiện công việc, quỹ thời gian, yếu tố tuổi, người học hệ không tập trung có thể gặp khó khăn hơn những SV học tập trung ở một số môn nhất định như: Tin học, Ngoại ngữ, Toán… nhưng đó không phải là tất cả. Rất nhiều SV học tập trung vẫn gặp khó khăn khi học những môn này. Ngay chính những người đang kỳ thị họ cũng chẳng khá hơn, vậy sao công nhiên xúc phạm, kỳ thị họ?
Sự kỳ thị công nhiên và những chủ trương sai trái như vậy cần phải bị phê phán vì nó võ đoán, làm triệt tiêu động lực của những người muốn vươn lên trên thang bậc học vấn, và đi ngược chủ trương xây dựng một xã hội học tập giàu tính nhân văn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta theo đuổi.
* Phóng viên:Xin cám ơn ông!