Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Ngày 24/5, Quốc hội dành trọn ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13. Dù đã thảo luận nhiều, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở nhiều nội dung, nhất là độ tuổi trẻ em chịu trách nhiệm hình sự.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận về sửa đổi Bộ luật Hình sự. Ảnh: Khai Minh
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận về sửa đổi Bộ luật Hình sự. Ảnh: Khai Minh

Tranh luận về trách nhiệm hình sự của người đủ 14 đến dưới 16 tuổi

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đến nay, các nội dung của dự thảo luật đã đạt được sự thống nhất giữa Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các bộ, ngành hữu quan. Tuy nhiên, khi thảo luận, các ý kiến của ĐBQH vẫn rất khác nhau.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án.

Một là giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 3 tội trên thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Hai là giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Theo giải trình của UBTVQH, đa số ý kiến tán thành giữ nguyên quy định của BLHS năm 2015; một số ý kiến đồng ý với dự thảo. Nhưng khi thảo luận, một số ý kiến ĐBQH rất gay gắt bảo vệ quan điểm không nên giữ quy định của BLHS năm 2015.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) không đồng tình với quy định tại BLHS 2015: “Lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi trên ghế nhà trường.

Do vậy những thay đổi của BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, xử lý như BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Bởi độ tuổi 14 đến dưới 16 diễn ra nhiều thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật.

Cần xử lý thế nào là đúng mức để các em có thể quay trở lại cuộc đời còn rất dài ở phía trước. Vì vậy, chỉ nên xử lý hình sự khi các em phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay.

Nhiều đại biểu đồng tình khi cho rằng, “nhà tù không phải là nơi tốt nhất cho trẻ em” như ý kiến của ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), bởi thực tế, cứ đưa 10 em vào tù thì có tới 5 em tái phạm.

Dẫn ra ý kiến một chuyên gia tâm lý của Đức, ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu quan điểm: Nếu muốn các em trở thành người xấu thì cứ đưa vào vòng tố tụng và vào tù.

Lỗi của các em có một phần là của người lớn, gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm với các em về vấn đề này. Đề nghị áp dụng nhiều chế tài về hành chính, giáo dưỡng, chuyển hướng trong hình sự.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phân tích, tại các trại giam, tạm giữ số người chưa thành niên vi phạm truy tố đưa vào thì không có chỗ giam giữ; trong khi các cơ sở giáo dục bắt buộc có đầy đủ các điều kiện để giáo dục những trẻ thành niên vi phạm thành công dân có ích thì lại đang bỏ trống. Vì vậy, phương án 2 rất phù hợp với quản lý giáo dục hiện nay.

Tham gia thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, với trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi, một là đưa ra nguyên tắc xử lý, hai là quy định độ tuổi. Các nước chủ yếu đề ra nguyên tắc xử lý.

“Nếu chúng ta bỏ phiếu về độ tuổi mà không tập trung vào chính sách hình sự với trẻ vị thành niên thì cũng không ổn” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Các nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trẻ em ở những tội vô ý, còn những tội cố ý thì vẫn xử lý, nhưng xử lý thì phải có nguyên tắc. Không nhất thiết phải đưa trẻ vị thành niên vào tù và những chính sách hình sự chủ yếu phải được làm rõ, quy định ở điều 91 của BLSH.

“Hãy loại trừ trách nhiệm hình sự với các tội mà trẻ em phạm một cách vô ý. Còn các tội khác mà cố ý thì nên xử lý theo những nguyên tắc riêng đối với trẻ vị thành niên” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và đề nghị Quốc hội xem xét 4 nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự với trẻ vị thành niên trước khi bỏ phiếu về vấn đề này.

Đó là, việc xử lý trách nhiệm hình sự với trẻ em là tăng biện pháp giáo dục, hạn chế các biện pháp cưỡng chế, tù giam; các phiên tòa xử trẻ vị thành niên phải được xử kín; việc quy định độ tuổi vị thành niên phải do Hội đồng xét xử quyết định dựa trên nhận thức của trẻ vị thành niên; trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt bằng 1/2 khung.

Xử hình sự với vi phạm trong kinh doanh đa cấp

Về bổ sung tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, dù còn ý kiến khác nhau nhưng UBTVQH nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục ngàn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, vi phạm trong lĩnh vực này bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến tối đa là 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tối đa 5 năm.

Thảo luận nội dung này, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đồng tình với dự thảo và cho rằng, cần thiết kế luật để xử lý nghiêm người đứng đầu tổ chức vì kinh doanh đa cấp có nhiều tầng nấc và trong thực tế những người khác tham gia đều phải ký hợp đồng và doanh thu được chuyển về cho người đứng đầu.

Nhưng ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lại không đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng, chưa có cơ sở để bổ sung quy định trên và giải trình cũng chưa làm rõ nguyên nhân và cách xử lý.

“BLHS đã bỏ tội kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế vì người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp” - ĐB Xuyền nói.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là bộ luật lớn nên với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, UBTVQH sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu trước khi bổ sung, hoàn thiện, trình ra Quốc hội.

Về tội Gây ô nhiễm môi trường, UBTVQH nhận thấy, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt và phải bảo đảm phát triển bền vững.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng: hạ định lượng về mức xả thải và hạ số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó quy định rõ mức khởi điểm để xử lý hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với nước thải và khí thải.

Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, UBTVQH cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và đã lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định.

Do đó, trong điều kiện hiện nay của nước ta và đây cũng là vấn đề rất mới nên BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Theo SGGP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ