Là do một hệ thống thay thế khác?
Theo lí giải của Honda Việt Nam, trường hợp xe CR-V bị cứng chân phanh là do cảm biến nhận ra vấn đề bất thường ở hệ thống trợ lực phanh. Nguyên nhân là sự thay đổi chu trình của bàn đạp phanh, phát sinh khi khách hàng đặt nhẹ chân lên bàn đạp phanh trong một khoảng thời gian nhất định khi xe đang lăn bánh với tính năng điều khiển hành trình (Cruise Control).
Khi ghi nhận vấn đề bất thường, trợ lực phanh sẽ chuyển đổi sang một hệ thống thay thế nhằm đảm bảo an toàn. Honda Việt Nam không chia sẻ cụ thể cơ chế hoạt động ra sao, mà chỉ trấn an khách hàng rằng việc đạp phanh dù “không thoải mái” nhưng hệ thống phanh vẫn hoạt động và “đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn của luật Việt Nam”.
Ngoài ra, cho đến thời điểm ngày 11/6/2019, Honda Việt Nam đã ghi nhận 6 khách hàng phản hồi về hiện tượng này và đã tiến hành cài đặt lại phần mềm ECU cho toàn bộ các mẫu xe trên để tránh tái diễn. HVN cũng khẳng định “các khách hàng này đã hoàn toàn đồng ý với kết luận cũng như phương án giải quyết từ phía HVN”.
Honda Việt Nam cần có thông tin cụ thể và thuyết phục hơn
Câu trả lời của HVN về hiện tượng CR-V bị cứng chân phanh hiện chưa được nhiều người sử dụng mẫu CR-V đồng thuận, bởi việc đặt hờ chân lên bàn đạp phanh khi xe đang sử dụng tính năng điều khiển hành trình (Cruise Control) như một cách phòng hờ an toàn và không phải là cách lái xe sai cách hay chống chỉ định trong sách hướng dẫn sử dụng xe của Honda CR-V.
Đây hoàn toàn là thói quen phù hợp với thực tế sử dụng với tình hình giao thông hiện nay tại Việt Nam.
Trong khi đó, lý giải của Honda rằng khi xảy ra vấn đề bất thường, hệ thống trợ lực phanh sẽ chuyển đổi sang một hệ thống thay thế nhằm đảm bảo an toàn thiếu tính thuyết phục. Nhiều người cho rằng, đã là hệ thống thay thế để an toàn thì tại sao chân phanh vẫn khó đạp để giảm tốc độ như cách hoạt động thông thường?
Thời điểm này, việc ghi nhận vấn đề “cứng chân phanh” cũng không được giải thích cặn kẽ là mất trợ lực chân phanh khiến việc đạp phanh khó khăn, hay là chân phanh cứng đờ, không thể hoạt động được?
Ngoài ra, khuyến cáo của HVN với khách hàng về sự việc này cũng thực sự chưa thoả đáng. Theo đó, hãng đề nghị người dùng không nên đặt nhẹ chân lên bàn đạp phanh liên tục trong quá trình lái xe (!). Không xác nhận lỗi kỹ thuật nhưng để tránh cảm giác không thoải mái khi đạp phanh, HVN khuyên khách hàng mang xe đến đại lý ôtô Honda gần nhất để được cài đặt lại phần mềm ECU.
Liệu đây có phải là vấn đề kỹ thuật đáng quan tâm?
Sau khi trao đổi với các kỹ sư, thợ máy lành nghề, thông tin báo Dân trí có được là xe Honda CR-V nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam sử dụng hệ thống trợ lực phanh điện ibooster do Bosch cung cấp, chứ không sử dụng hệ thống phanh thuỷ lực trợ lực chân không phổ biến hiện nay.
Với câu hỏi: "Liệu đây có phải là sự khác biệt về thiết kế, về các thức hoạt động (hệ thống điều khiển) đã dẫn đến vấn đề cứng chân phanh trên 6 mẫu Honda CR-V tại Việt Nam?", các phương án được đưa ra là hệ thống điện sau ra ắc-quy bị chập chờn, tắt/đóng đột ngột nên dẫn đến động cơ bị ngắt và đèn check hiện lên như chuẩn bị khởi động, tín hiệu điện bị “quá dòng” khi sử dụng cùng lúc giữa tính năng điều khiển hành trình và việc đè chân phanh (trên 60 giây) khiến đèn phanh luôn bật sáng…
Tuy nhiên, không chuyên gia và kỹ sư nào đưa ra một phương án cuối cùng và chi tiết về sự việc này. Để tìm hiểu hệ thống phanh của một mẫu xe đang sử dụng thiết bị nào, linh kiện gì và do ai cung cấp là điều không hề khó.
Tuy nhiên, để tìm hiểu đúng bản chất sự việc (CR-V bị cứng chân phanh) thì có rất nhiều vấn đề liên quan và đơn giản nhất việc các hệ thống này hoạt động ra sao còn phụ thuộc vào thuật toán, phần mềm mà hãng xe sử dụng. Và ở đây, cơ chế vận hành của hệ thống thống phanh trên CR-V chỉ có Honda là nhà sản xuất mới nắm rõ.
Các đợt triệu hồi xe tại Việt Nam
Trên thực tế, một kỹ sư của BMW cũng không thể nào tự tin nắm vững các trang thiết bị và hệ thống phần mềm điều khiển đi kèm trên các mẫu xe KIA hay Hyundai và ngược lại, nếu như không có các máy chẩn đoán và phần mềm chính hãng được cập nhật đầy đủ.
Với trường hợp chân phanh bị cứng khi sử dụng cùng tính năng điều khiển hành trình trên CR-V, chỉ có Honda mới biết chính xác nhất điều gì đang xảy ra với mẫu xe của hãng.
Sự việc xảy ra với hệ thống phanh trên Honda CR-V là có thật với 6 chiếc xe đầu tiên được chính thức ghi nhận, và vấn đề giờ đây là làm thế nào để gần 16.000 người tiêu dùng Việt Nam và gia đình (tính riêng trong năm 2018 và 2019) hoàn toàn yên tâm với sự an toàn của mình khi sử dụng mẫu xe này.
Chính vì vậy, Honda Việt Nam, với tư cách là nhà sản xuất, và Cục Đăng kiểm Việt Nam, với tư cách cơ quan quản lí chất lượng phương tiện tham gia giao thông, cần có những câu trả lời và hành động thiết thực hơn nữa trước những nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam.