Ánh sáng bí ẩn trên sao Hỏa
Các chuyên gia của NASA phát hiện thấy một vệt sáng bí ẩn ở phần bên phải bức ảnh chụp sao Hỏa. Bức ảnh do xe tự hành Curiosity thực hiện (ngày 16/6/2019) và sau đó được gửi về Trái đất.
Trong thực tế, đối tượng phát sáng đó là gì? NASA cho rằng, vệt sáng trên bức ảnh không phải là hình ảnh tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh.
“Trong hàng ngàn bức ảnh nhận từ xe tự hành Curiosity hàng tuần, chúng tôi thường xuyên nhìn thấy những vệt sáng như vậy. Đó có thể là kết quả của bức xạ vũ trụ hoặc ánh sáng phản chiều từ đá sao Hỏa” - ông Justin Maki, Trưởng nhóm điều khiển xe tự hành Curiosity cho biết.
“Đĩa bay” xuất hiện trên bầu trời Kansas?
Vài ngày trước, trên bầu trời Kansas (Mỹ) bỗng xuất hiện những vật thể lạ. Chứng kiến hiện tượng ấy, nhiều người cho rằng đây là những phi thuyền của một nền văn minh ngoài Trái đất (đĩa bay) nào đó.
Sau khi tìm hiểu, giới báo chí mới biết rằng đây là cuộc thử nghiệm công nghệ mới của Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cuộc thử nghiệm nằm trong khuôn khổ dự án ALTA (nhẹ hơn không khí) với mục đích thử nghiệm loại khí cầu mới, có khả năng theo dõi tốt hơn tình trạng khí quyển, đặc biệt là vận tốc và hướng gió; quan sát các hiện tượng và đối tượng trên mặt đất từ độ cao lớn. Các khí cầu ALTA di chuyển trong không khí trên độ cao 24 km nhờ các dòng đối lưu.
Hàng tuần, mỗi người “ăn phải” 5 gam chất dẻo
Chất dẻo không phải là thức ăn của con người, tuy nhiên, theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, hàng tuần mỗi người “ăn” trung bình 5 gam chất dẻo nhân tạo. Đây là lượng chất dẻo đủ để sản xuất 1 tấm thẻ tín dụng.
Gần 90% lượng chất dẻo dưới dạng các hạt vi nhựa (microplastic) “đột nhập” vào cơ thể chúng ta có “xuất phát điểm” từ hệ thống cung cấp nước sạch và nước đóng chai. Chất dẻo cũng có mặt trong hải sản, bia và muối. Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn chất dẻo thải ra biển và đại dương.