“Trái đất thứ hai” quay quanh sao Lùn đỏ

GD&TĐ - Xung quanh sao Lùn đỏ Teegarden có 2 hành tinh đá. Một trong 2 hành tinh này xứng đáng được gọi là “Trái đất thứ hai”.

“Trái đất thứ hai” quay quanh sao Lùn đỏ

Sao Lùn đỏ là ngôi sao nhỏ, chiếu sáng yếu ớt. Mặc dù có rất nhiều sao Lùn đỏ trong vũ trụ (khoảng 75% số ngôi sao gần chúng ta là sao Lùn đỏ), nhưng chúng ta biết về chúng quá ít và chúng ta liên tục phát hiện sao Lùn đỏ không xa Hệ Mặt trời.

Sao Lùn đỏ Teegarden, mặc dù chỉ cách chúng ta 12 năm ánh sáng (dưới góc nhìn thiên văn học, đây là khoảng cách tương đối ngắn), nhưng mới được phát hiện vào năm 2003.

Khối lượng của sao Lùn đỏ Teegarden chỉ bằng 8% khối lượng Mặt trời. Đầu năm nay, các nhà thiên văn học phát hiện 2 hành tinh quay xung quanh ngôi sao lùn này. Chúng được đặt tên là Teegarden b và Teegarden c. Cả 2 hành tinh đều có khối lượng tương đương khối lượng Trái đất.

Hành tinh Teegarden b có khối lượng bằng khoảng 1,05 khối lượng Trái đất. Nó quay trên quỹ đạo cách ngôi sao chủ khoảng 4 triệu km.

Do sao Lùn đỏ chiếu sáng yếu ớt, theo tính toán, trên bề mặt ngoại hành tinh Teegarden b có thể có nước ở trạng thái lỏng. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt hành tinh là khoảng 28 độ C.

Như vậy, Teegarden b có thể là ngoại hành tinh giống Trái đất nhất. Chỉ số tương tự Trái đất (ESI) của nó là 0,95 (trong đó giá trị 1 thể hiện sự giống Trái đất tuyệt đối). Chỉ số ESI được tính trên cơ sở các yếu tố đã biết (độ sáng của ngôi sao chủ, độ lớn của quỹ đạo, khối lượng tối thiểu của hành tinh...).

Sự việc trở nên phức tạp hơn khi các điều kiện trên những hành tinh quay rất gần sao Lùn đỏ ít được biết đến. Mặc dù vậy, Teegarden b chắc chắn xứng đáng được gọi là “Trái đất thứ hai” – ít nhất là cho đến khi các nhà thiên văn học phát hiện ngoại hành tinh giống Trái đất của chúng ta hơn nữa.

Ngoại hành tinh thứ hai - Teegarden c, có khối lượng lớn hơn một chút, bằng khoảng 1,11 khối lượng Trái đất. Ngoại hành tinh này quay cách ngôi sao chủ (sao Lùn đỏ Teegarden) khoảng 6,6 triệu km, một vòng hết gần 11,5 ngày.

Nhiệt độ trên bề mặt Teegarden c là khoảng -50 độ C. Điều đó có thể chứng tỏ phần lớn hoặc thậm chí toàn bộ bề mặt Teegarden c là băng đá.

Sự hiện diện của 2 hành tinh đá nhỏ, khá giống Trái đất, ở gần Hệ Mặt trời chứng tỏ những thiên thể như vậy có rất nhiều trong vũ trụ.

Cần bổ sung là ở gần chúng ta có một vài ngoại hành tinh nhỏ khác như Proxima b và Ross 128b. Trong lân cận Hệ Mặt trời, cũng có các ngoại hành tinh lớn hơn, kiểu “siêu Trái đất”. Một ví dụ là GJ 699b – một ngoại hành tinh băng giá quay xung quanh ngôi sao Barnard.

Rất có thể du hành đến các ngoại hành tinh gần sẽ trở nên khả thi ngay trong thế kỷ này. Trong những năm gần đây đã xuất hiện đề án chế tạo nhiều phi thuyền mini với cánh buồm vũ trụ lớn trong khuôn khổ sáng kiến Breakthrough Starshot.

Mục tiêu chủ yếu của sáng kiến này là bay đến sao Lùn đỏ Proxima Centauri, tuy nhiên chuyến bay đến Teegarden cũng có thể là khả thi.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ