Sự trở lại của kịch kinh điển

GD&TĐ - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa công bố dàn dựng vở kịch kinh điển “Romeo và Juliet” của đại văn hào Anh William Shakespeare. Đây là lần thứ ba tác phẩm kinh điển này được đưa lên sân khấu kịch Việt Nam. 

Sự trở lại của kịch kinh điển

Trước những hồi chuông cảnh báo về sân khấu kịch đang dần thưa vắng khán giả, đây là bước đột phá mạnh bạo của các nhà hát trong việc “hâm nóng” sân khấu nước nhà vốn đang nguội lạnh trước vô số khó khăn.

Làm sống lại những vở kịch kinh điển

Gần đây, các đạo diễn và diễn viên Việt Nam đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc mang đậm tính thời sự. Có thể kể đến năm 2016, Nhà hát Kịch Quân đội mạnh dạn dựng vở kinh điển của Nga “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”; Nhà hát Tuổi trẻ dựng “Quan thanh tra” của văn hào Gogol, và Nhà hát Kịch Việt Nam với “Hamlet” (2015).

Sắp tới, vở kịch kinh điển “Romeo và Juliet” của đại văn hào Shakespeare, phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSND Anh Tú biên tập và đạo diễn, sẽ ra mắt khán giả.

Sau hai năm, khá thành công với “Hamlet”, lần này, đạo diễn, NSND Anh Tú chọn “Romeo và Juliet”, một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại William Shakespeare. Nhiều người cho rằng đó là sự mạo hiểm vì diễn viên thiếu vắng tài năng, thiếu vắng những người làm nghề có lửa.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Anh Tú, việc dàn dựng thành công những vở kinh điển sẽ nâng cao trình độ của tập thể sáng tạo và diễn viên, “một công đôi việc” - giống như một cuộc tập huấn, đào tạo chung cho đội ngũ của cả Nhà hát trong quá trình “chinh phục” những đỉnh cao nghề nghiệp mới.

Hướng tới khán giả trẻ

Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, đây là lần thứ 3 kịch bản “Romeo và Juliet” được dàn dựng, Lần đầu tiên là trước giải phóng lần thứ 2 là vào những năm 1980, khi Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở diễn này với tên gọi chính xác là “Romeo và Juliet”. Và nay, cũng gần 40 năm sau, Nhà hát Kịch Việt Nam mới dàn dựng lại vở diễn kinh điển này.

Điều đạo diễn Anh Tú trăn trở, đó là việc phải cố gắng lôi kéo khán giả trẻ đến rạp. Chính bởi vậy, trong vở “Romeo và Juliet” đạo diễn Anh Tú đưa nhảy múa và ca hát vào vở diễn Dàn đồng ca sẽ hát live, diễn cùng các diễn viên, thậm chí, đạo diễn sẽ đưa nhảy clacket vào vở diễn.

Đạo diễn Anh Tú cho biết, cốt lõi của một tác phẩm kinh điển là nó phải có hơi thở của đời sống hôm nay, chứ không thể máy móc bê y nguyên của tác giả. Vấn đề cốt lõi là tinh thần thời đại, những câu hỏi về con người, làm cho nó gần gũi với ngày hôm nay, để khán giả ngồi xem thấy hay, chạm tới trái tim, suy nghĩ của họ. Đó là cả một bài toán khó.

Giới thiệu cho công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ hôm nay những kiệt tác của sân khấu thế giới và Việt Nam là một hướng đi đúng và rất cần thiết đối với những người làm nghệ thuật sân khấu. Như một đốm lửa được nhóm lên trong những ngày sân khấu đang “ngủ đông”, con đường đi của “Romeo và Juliet” đang tạo niềm tin về một hướng đi mới cho sân khấu kịch kinh điển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ