Sân khấu vượt khó trong quá trình xã hội hóa

GD&TĐ - Xã hội hóa loại hình sân khấu đang là vấn đề được đặt ra đối với các đơn vị hoạt động nghệ thuật trên cả nước. Để thực hiện lộ trình này, ngoài việc tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất thì vấn đề nâng cao chất lượng vở diễn phải được đặt ra một cách nghiêm túc.  

Sân khấu vượt khó trong quá trình xã hội hóa

Lộ trình tất yếu

Năm nay, tất cả các đơn vị nghệ thuật Nhà nước bị cắt giảm 30% ngân sách, bắt đầu thực hiện lộ trình tiến đến xã hội hóa hoàn toàn. Điều này có khó khăn nhất định, nhưng là bước chuyển tất yếu trong lộ trình quy hoạch của Bộ VH-TT&DL về định hướng phát triển sân khấu, tầm nhìn 2015 - 2020. Đi tiên phong cho công cuộc đổi mới này là ba đơn vị Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đã có nhiều cố gắng. Từ năm 2015, tuy phải trải qua nhiều khó khăn do bị cắt giảm ngân sách nhưng ba đơn vị này vẫn giữ được mức doanh thu từ 10 đến 12 tỷ đồng, đời sống diễn viên được đảm bảo, các vở diễn đạt chất lượng cao...

Trong năm 2015, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã xây dựng được 8 chương trình kịch mới, 11 chương trình mới xây dựng theo phương thức xã hội hóa, 7 chương trình nâng cao chương trình cũ để tiếp tục biểu diễn. Với tổng số buổi biểu diễn là 250 buổi (trong đó có 65 buổi phục vụ thiếu nhi, 5 buổi diễn ở nước ngoài, 16 buổi hợp tác đối ngoại, 10 buổi vùng sâu, vùng xa,5 buổi phục vụ chính trị, 50 buổi miễn phí trong dự án “Chắp cánh niềm tin” với tổng số doanh thu là 5 tỷ với tổng số 250.000 lượt người xem.

Song song với các vở diễn phản ánh về hiện thực đời sống xã hội trong nước, Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng thành công nhiều vở kịch kinh điển của thế giới nhằm giới thiệu tinh hoa nghệ thuật nhân loại với khán giả Việt Nam, đó là các vở: “Romeo và Juliet”; “Othello”; “Trưởng giả học làm sang”; “Người tốt thành Tứ Xuyên”; “Lôi Vũ”; “Macbeth”; “Con cáo và chùm nho”; “Nhà búp bê”; “Âm mưu và tình yêu”, “Hamlet” cùng các vở kịch kinh điển của Việt Nam như các vở “Rừng trúc”; “Vũ Như Tô”… Đặc biệt với series “Đời cười” dày dặn ra mắt hàng năm, Nhà hát Tuổi trẻ đã tạo được thương hiệu riêng cho mình. Bởi vậy trong điều kiện kinh tế thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đoàn nghệ thuật thì Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là điểm đến quen thuộc của khán giả Thủ đô mỗi khi đến thưởng thức vở diễn nghệ thuật.

Vượt khó để khẳng định thương hiệu

Theo kế hoạch, từ năm nay, mỗi năm, các nhà hát sẽ bị cắt 30% kinh phí, đến năm 2018 về cơ bản sẽ xã hội hóa hoàn toàn. Đối với ba nhà hát được thí điểm từ năm ngoái (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ) năm nay vẫn giữ mức giảm 30%, và tất cả các đơn vị nghệ thuật phải đối diện với mức giảm 60% khi bước sang năm 2017. Rõ ràng đây là bước đột phá cần được thực hiện để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực sân khấu. Tuy nhiên đứng trước thực tế này, không ít các lãnh đạo chủ chốt của các nhà hát phải đối diện với những khó khăn. Áp lực về công việc, về nhân lực và đặc biệt là làm thế nào để có những vở diễn hay đều đặn ra mắt, thu hút công chúng không phải là điều dễ dàng.

Chia sẻ về điều này, theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: Trong sự khó khăn chung của ngành du lịch và các đơn vị nghệ thuật, Nhà hát vẫn cố gắng duy trì 5 buổi diễn/ngày (trước kia là 6 buổi diễn) và đạt chỉ tiêu doanh thu mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao cho. Dù không có thế mạnh về rối cạn vì không có địa điểm biểu diễn nhưng các nghệ sĩ vẫn không ngại khó phải thuê địa điểm tập luyện, dàn dựng các tiết mục múa rối cạn mới.

Đi đôi với chủ trương xã hội hóa các loại hình sân khấu thì còn kèm theo những quy định mới đó là: Các kế hoạch dàn dựng hàng năm của các đơn vị phải được báo cáo trước cả năm và phải được thông qua Hội đồng thẩm định của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì mới được thực hiện. Bởi vậy theo các nhà quản lý, việc áp dụng quy định này dẫn đến tình trạng có những nhà hát có tác phẩm không được Hội đồng thẩm định đồng ý do chất lượng kịch bản kém. Nhưng cũng có lo ngại, liệu đội ngũ cán bộ của Cục Nghệ thuật biểu diễn có thẩm định được hết kịch bản của tất cả 12 đơn vị nghệ thuật sân khấu và có ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian của các nhà hát?

Quy định này khiến các nhà hát lo lắng về việc hạn chế sáng tạo của nghệ sĩ ở khâu viết kịch bản. Vì nếu Bộ đã giao quyền tự chủ cho các nhà hát thì hãy để họ tự chịu trách nhiệm. Như vậy việc đổi mới cơ chế quản lý trong vấn đề xã hội hóa các loại hình sân khấu là tất yếu. Tuy nhiên, khi đưa ra những quy định các nhà quản lý cần tính đến các giải pháp để hỗ trợ cũng như kích thích sự sáng tạo cho những người làm công tác nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.