Phù hợp với xu thế chung
Nhiều năm gần đây, ngành du lịch đã phát huy khá thành công thế mạnh của mình. Để tận dụng các nguồn lực và tài nguyên phong phú của đất nước thì việc gắn kết các tour du lịch với các loại hình nghệ thật truyền thống sẽ mang lại những hiệu quả mới.
Đầu tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức chủ trì buổi làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để bàn về kế hoạch xây dựng sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn.
Điều này chắc chắn tạo ra một cơ hội mới cho vấn đề thúc đẩy sự hợp tác du dịch song song với việc giới thiệu những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam.
Hiện nay ở Việt Nam có nhiều nhà hát có giá trị văn hóa, trong đó Nhà hát Lớn Hà Nội là một địa chỉ tin cậy có nhiều thế mạnh trong việc lựa chọn trở thành một điểm đến của công chúng.
Ở nhiều nước trên thế giới, các nhà hát lớn được xây dựng và đầu tư hoành tráng đều trở thành địa điểm lý tưởng để trình diễn những màn nghệ thuật đặc sắc.
Ví dụ ở nước Nga nghệ thuật múa ba lê được biểu diễn trong Nhà hát Lớn và đã trở thành thương hiệu của nền nghệ thuật nước này. Hay ở Nhật Bản thể loại kịch cổ điển như kịch Noh, kịch Kabuki đều được trình diễn tại nhà hát quốc gia và được khán giả của nhiều nước trên thế giới yêu thích.
Những thể loại nghệ thuật này đều đại diện cho những nghệ thuật truyền thống của mỗi một đất nước. Vì vậy, năm 2017, việc xây dựng hoàn thiện và đưa vào triển khai sản phẩm nghệ thuật vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, vừa mang tính giải trí dành cho du khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ưu tiên những loại hình nghệ thuật độc đáo
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết: Nhà hát Lớn là biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô, của Việt Nam, hội tụ những giá trị tiêu biểu, khác biệt và có thể có sức thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật.
Hiện nay, phần đông người dân vẫn có tâm lý rằng, Nhà hát Lớn là “thánh đường nghệ thuật”, là chốn xa xỉ, người bình thường khó có cơ hội tiếp cận.
Nhưng khi xây dựng thành tour nghệ thuật dành cho du khách tại Nhà hát Lớn thì bất kỳ ai có nguyện vọng đều có cơ hội đặt chân đến “thánh đường nghệ thuật” này.
Trong năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ có 12 tác phẩm kịch nói xuất sắc nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Đoàn kịch nói Công an nhân dân sẽ được lựa chọn diễn trong chuyên đề “Những vở kịch còn mãi với thời gian”.
Thời gian ấn định sẽ vào khoảng tháng 8/2017. Đó sẽ là những vở xuất sắc nhất của các đơn vị, trong đó có những vở diễn hay nổi tiếng một thời gồm cả kịch kinh điển thế giới và kịch của Việt Nam.
Để có những sản phẩm nghệ thuật hay nhất, Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần đưa danh sách các vở diễn để Hội đồng lựa chọn.
Thời gian biểu diễn các tác phẩm cũng sẽ linh hoạt không nhất thiết phải vào cuối tuần để đáp ứng được yêu cầu của đông đảo mọi tầng lớp khán giả. Trong đó, các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối sẽ được tiếp tục đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn.