Sự thật về "thủy quái khổng lồ" trong truyền thuyết

Thủy quái khổng lồ, có khả năng đánh chìm thuyền trong truyền thuyết, trở thành nỗi ám ảnh trên biển cho các thủy thủ, luôn là đề tài kích thích trí tò mò của các nhà khoa học suốt hàng chục năm qua.

Sự thật về "thủy quái khổng lồ" trong truyền thuyết

Với chiều dài khi trưởng thành lên đến 11m, có khả năng bơi lội linh hoạt trên đại dương, loài rắn biển có hình dạng khá giống với những mô tả trong truyền thuyết của các thủy thủ về một loài quái vật biển xa xưa.

Giờ đây, ngày càng có nhiều rắn biển lạc vào các vùng nước nông và bị mắc kẹt lại, mang đến cơ hội quý giá cho các nhà khoa học để tìm hiểu về một loài sinh vật còn mang trong mình quá nhiều bí ẩn.

Loài quái vật biển trong truyền thuyết

Mãi cho đến gần đây, một bộ phim tài liệu được sản xuất bởi kênh BBC đã hé lộ nhiều điều thú vị về đời sống của rắn biển.

Họ Rắn biển (Regalecidae) là tập hợp những loài cá có xương dài nhất trên thế giới, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772 bởi Peter Ascanius.

Rắn biển sống ở độ sâu khoảng 150-300m, và thường xuyên bơi lên mặt nước nông. Chúng bơi theo chiều dọc, sử dụng vây lưng để giữ thăng bằng cơ thể, hoàn toàn khác với cách di chuyển của loài rắn trên cạn.

Một con rắn biển trôi dạt vào bờ biển nam California, Mỹ hồi năm 2013

Rick Feeney, người quản lý bộ sưu tập sinh vật biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles cho biết: "Chúng là những sinh vật tuyệt đẹp, làn da bạc với những vệt màu xanh óng ánh và vây đỏ tươi”.

Ông còn nói thêm: "Hình thể của rắn biển giúp chúng ngụy trang một cách hoàn hảo trong làn nước. Con người chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì diệu đó mỗi khi chúng trồi lên mặt biển. Sự kiện này cũng gần giống như việc bắt gặp người ngoài hành tinh.”
Theo ông Feeney, việc rắn biển lạc vào vùng nước nông gần bờ là hiện tượng khá hiếm. Chỉ có khoảng 500 trường hợp được ghi nhận kể từ năm 1700 tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Mexico, Costa Rica và Nhật Bản.

Hồi năm 2013, hai con rắn biển đã chết và trôi dạt vào một bãi biển ở Mỹ chỉ trong một tuần. Các nhà sinh vật biển đã ngay lập tức thu thập các mẫu vật, đồng thời gửi mẫu tới các tổ chức quan tâm đến loài cá khổng lồ này.

Mẫu vật rắn biển được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles

Cho đến nay, lý do tại sao rắn biển dạt vào bờ vẫn còn là một bí ẩn lớn. Rất nhiều giả thiết đã được đưa ra, bao gồm bão, quá trình giao phối, nạn đói và cả bệnh tật.

Rick Feeney cho rằng thủy triều đỏ, động vật ăn thịt, sự biến đổi khí hậu đại dương, con người…là những tác nhân cộng gộp dẫn đến hiện tượng rắn biển dạt bờ.
Ở Nhật Bản thậm chí còn tồn tại những truyền thuyết về việc rắn biển có khả năng dự báo động đất. Tuy nhiên, ông Feeney đã bác bỏ giả thiết này.
Các nhà khoa học đang hy vọng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ mang đến những phương tiện hiện đại để vén bức màn bí mật về một loài sinh vật biển đã trở thành huyền thoại.
Theo PLO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ