Sự ổn định cần thiết

GD&TĐ - Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những đổi mới theo hướng phát triển năng lực người học; xây dựng được các hệ thống đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, thuận lợi… 

Mục tiêu chung của đổi mới thi, xét tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là thực hiện đúng Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, chi phí cho thí sinh, gia đình và xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Qua 5 mùa thi THPT quốc gia 2015 - 2019 và thi tốt nghiệp THPT 2020, có thể đánh giá: Các kỳ thi đã đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong bối cảnh đổi mới và hội nhập. Theo từng năm, việc tổ chức thi ngày càng trở nên khách quan, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Áp dụng công nghệ trong tổ chức thi được chú trọng. Quy chế thi được chỉnh sửa, bổ sung, thay thế mới theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, giúp ngăn ngừa tối đa tiêu cực trong thi cử. Phần mềm quản lý thi ngày càng “thông minh hơn”, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thi. Không chỉ vậy, cách thức đề thi được đổi mới theo từng năm đã góp phần tạo động lực thúc đẩy việc nghiên cứu của thầy và học tập của trò. Thành công của kỳ thi được thể hiện qua sự đồng thuận của toàn xã hội, học sinh và cha mẹ học sinh. 

Có thể nói, chúng ta đã hoàn tất tốt đẹp một lộ trình đổi mới thi. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chủ trương tiếp tục chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới được công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi để khẳng định chủ trương này. Đây cũng là mong mỏi của ngành Giáo dục các địa phương, người học. 

So với Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT, Dự thảo có 16 điều khoản được sửa đổi, bổ sung. Những sửa đổi bổ sung đều hướng đến tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và bảo đảm độ tin cậy cao. Nghiên cứu dự thảo, có thể thấy, hầu hết các kiến nghị điều chỉnh quy trình, quy chế thi được đề cập trong Hội nghị về công tác thi diễn ra vào đầu tháng 10/2020 tại Quảng Ninh được Bộ GD&ĐT ghi nhận, nghiên cứu và bổ sung, điều chỉnh khá hợp lí. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Cục Quản lý chất lượng. 

Việc bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn  với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; kế thừa những thành tựu đã đạt được trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015 - 2019 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là hướng đi đúng. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi; tham khảo  mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của nước tiên tiến trên thế giới. 

Cần nhấn mạnh rằng, chỉ có thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thi cử thật nghiêm túc mới có chất lượng giáo dục thực chất và tạo động lực cho công tác dạy và học của các nhà trường, trên cơ sở đó có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học. Việc thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế trong thi cử không phải đến lúc tổ chức kỳ thi mới đặt ra, mà phải thực hiện trong suốt quá trình dạy học; phải được làm hàng ngày, thường xuyên tại nhà trường. Đây chính là cơ sở để thực hiện được kỳ thi tuyệt đối an toàn và đúng quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ