Sứ mệnh thiêng liêng của nghệ sĩ sân khấu

GD&TĐ - Dựng kịch để tái hiện, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là sứ mệnh thiêng liêng, tự hào đối với mỗi nghệ sĩ sân khấu.

Trong vở tuồng 'Không còn đường nào khác' (bản dựng năm 2022 của Nhà hát Tuồng Việt Nam), Bác Hồ xuất hiện trong giấc mơ của cô Ba Định. Ảnh: Thúy Ten.
Trong vở tuồng 'Không còn đường nào khác' (bản dựng năm 2022 của Nhà hát Tuồng Việt Nam), Bác Hồ xuất hiện trong giấc mơ của cô Ba Định. Ảnh: Thúy Ten.

Sứ mệnh ấy vẫn được các thế hệ nghệ sĩ trân trọng tiếp nối để lan tỏa vẻ đẹp cao quý mà bình dị, thiêng liêng mà gần gũi của vị Cha già dân tộc đến mỗi người con đất Việt…

Nguồn cảm hứng vô tận

Hình tượng Bác Hồ trong vở kịch 'Đêm trắng' của Nhà hát Kịch Việt Nam, bản dựng năm 2021. Ảnh: NHKVN.

Hình tượng Bác Hồ trong vở kịch 'Đêm trắng' của Nhà hát Kịch Việt Nam, bản dựng năm 2021. Ảnh: NHKVN.

“Bằng tài năng và tâm huyết, nhất là tấm lòng của giới nghệ sĩ luôn luôn trăn trở với một đề tài lớn, đáp ứng lòng mong đợi và ngưỡng mộ tha thiết của quần chúng nhân dân, lĩnh vực sân khấu đã có những vở diễn kế tục nhau, bổ sung cho nhau ngày càng hoàn thiện hơn trong việc tái hiện lại tiểu sử, sự nghiệp hoạt động và nhân cách, phẩm chất đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

Đó là nhận định được các tác giả, nghệ sĩ đưa ra tại hội thảo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu” vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức. Theo đó, cùng với các ngành văn học nghệ thuật khác, nhiều năm qua sân khấu cũng luôn tìm tòi, thử nghiệm xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ đặc thù, sống động.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tác phẩm mở đầu về đề tài này là vở cải lương “Người công dân số một” được xây dựng từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.

Ê kíp sáng tạo gồm nhà viết kịch Hà Văn Cầu với sự cộng tác của Vũ Ðình Phòng chấp bút, NSND Dương Ngọc Đức đạo diễn và các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Trung ương biểu diễn. Trong đó, NSƯT Hà Quang Văn, con trai của NSND Ái Liên được giao trọng trách thể hiện Bác Hồ thời trẻ, NSND Sỹ Hùng đảm nhiệm diễn xuất hình ảnh Bác Hồ những năm tháng gian khổ mà hào hùng ở Việt Bắc.

“Mặc dù kịch bản viết theo phong cách tư liệu, chia thành nhiều cảnh diễn ra theo trình tự thời gian nhằm bám sát các hoạt động của lãnh tụ theo hình thức biên niên sử và kết cấu vở theo hướng sân khấu hóa tiểu sử của Bác Hồ với tính chất dựng tượng đài, nhưng vở diễn vẫn làm nức lòng khán giả.

Cũng vì, “Người công dân số một” đáp ứng nhu cầu từ lâu của mọi tầng lớp nhân dân là được nhìn tận mắt, nghe tận tai, hình ảnh và giọng nói thân thuộc mà thiêng liêng của Bác Hồ.

Vở diễn nhanh chóng trở thành sự kiện nghệ thuật quan trọng, góp phần thúc đẩy những sáng tác tiếp theo về đề tài này ra đời và gặt hái không ít thành công”, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết.

Sau “Người công dân số một” là những vở diễn: “Không còn đường nào khác” (kịch bản: Văn Sử) và “Sáng mãi niềm tin” (kịch bản: Lê Duy Hạnh) đều được thể hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật tuồng.

Ở cả hai vở diễn này, hình tượng Bác Hồ được xuất hiện trong tâm tưởng của các chiến sĩ cách mạng (Anh hùng Nguyễn Thị Định) và quần chúng trung kiên trong phong trào Đồng khởi Bến Tre, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong đó, hình tượng Bác Hồ được giao cho NSND Võ Sỹ Thừa (vở “Sáng mãi niềm tin”) và NSND Lê Tiến Thọ (vở “Không còn đường nào khác”).

Sau những mở đầu này, nhiều vở diễn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Trong đó, loại hình kịch nói là thành công hơn cả với các vở diễn như: “Bài ca Điện Biên” của tác giả Tất Đạt, công diễn năm 1984, “Lịch sử và nhân chứng” của tác giả Hoài Giao, công diễn năm 1985…

Nhất là, vở kịch “Đêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà do đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng và được Đoàn kịch Trường Sơn Quân khu II công diễn năm 1987. Sau đó, bản dựng “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng có bản diễn xúc động, đi vào lòng người.

Hình tượng Bác Hồ thời trẻ trong vở nhạc kịch 'Người cầm lái'. Ảnh: BTC.

Hình tượng Bác Hồ thời trẻ trong vở nhạc kịch 'Người cầm lái'. Ảnh: BTC.

Vở diễn đã khắc họa tài và đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tinh tế, sâu sắc không phải qua các dấu mốc cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mà từ việc tái hiện lại những khoảng lặng Bác Hồ thức trắng đêm để cân nhắc để đi đến quyết định thi hành án đối với một cán bộ cấp cao của ngành hậu cần quân đội tham nhũng - Cục trưởng Cục Quân nhu, Đại tá Hoàng Trọng Vinh (xây dựng từ nguyên mẫu vụ án Trần Dụ Châu năm 1950).

Bởi câu chuyện được kể vừa xúc động vừa nóng hổi tính thời sự nên kịch bản “Đêm trắng” có sức sống lâu bền cho đến tận hôm nay, mới nhất là bản phục dựng năm 2021 của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ngoài ra, mới đây có thể kể đến các vở chèo như “Ðêm trăng huyền thoại” (Đoàn chèo Thái Nguyên, 2000); “Những vần thơ thép” (Nhà hát chèo Việt Nam, 2005); vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” (Sân khấu Lệ Ngọc, 2022); vở cải lương “Nợ nước non” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, 2022); vở kịch thơ “Người đi đôi dép cao su” (Nhà hát kịch Việt Nam, 2023)…

Riêng tác phẩm “Người cầm lái” (Nhà hát Công an nhân dân, 2022) là vở nhạc kịch đầu tiên khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được dàn dựng với hình thức giao hưởng – đại hợp xướng, kết hợp cùng sân khấu kịch hát dân tộc và ngôn ngữ múa dân gian đương đại, vở diễn kể về cuộc đời của Bác Hồ từ khi còn nhỏ cho đến những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

“Sân khấu cũng như các ngành văn học nghệ thuật khác, bên cạnh những hình tượng mang tính chất sáng tạo thì hình tượng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận, lớn lao để nghệ sĩ tìm tòi, xây dựng bằng ngôn ngữ đặc thù của mình.

Các loại hình: Kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, ca kịch… có nhiều vở diễn lấy hình tượng Bác Hồ làm trung tâm hoặc xây dựng hình tượng Bác Hồ để đề cao sức mạnh tư tưởng cũng như vẻ đẹp phong cách của Người. Đó đều là những vở diễn có chủ đề, nội dung súc tích, tư tưởng rõ ràng; ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo, ấn tượng”, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội nhấn mạnh.

Chưa khi nào dễ dàng

Hình tượng Bác Hồ trong vở chèo 'Những vần thơ thép' của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: NHCVN.

Hình tượng Bác Hồ trong vở chèo 'Những vần thơ thép' của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: NHCVN.

Bên cạnh nỗ lực của giới nghệ sĩ, những đơn vị sân khấu, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn trại sáng tác, đi thực tế đến địa điểm, địa chỉ đỏ nơi Bác từng sống, làm việc.

Qua mỗi chuyến đi thực tế, các tác giả có thêm tư liệu thực tế, hiểu sâu hơn về cả cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm.

Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư kinh phí cho những đơn vị nghệ thuật khi thực hiện các dự án, vở diễn, chương trình nghệ thuật xây dựng hình tượng Bác Hồ” - NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội.

Việc đưa hình ảnh Bác Hồ lên sàn diễn chưa khi nào dễ dàng mà luôn là những thách thức lớn không chỉ với biên kịch, đạo diễn mà còn với cả họa sĩ, diễn viên… Thực tế ấy cũng được chia sẻ tại hội thảo vừa để bày tỏ sự khâm phục tài năng, tâm huyết của nghệ sĩ vừa chỉ ra những hạn chế cần vượt qua.

Theo đó, nhiều câu hỏi được các tác giả, nghệ sĩ đặt ra: Làm sao tái hiện được đầy đủ cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của Người, thông qua vô vàn những chi tiết cụ thể, trong giới hạn ngặt nghèo của không gian và thời gian sân khấu?

Làm thế nào để diễn tả được hình tượng Bác Hồ, trong ngôn ngữ đặc trưng sống động của nghệ thuật nghe nhìn, thông qua nghệ thuật biểu diễn của chính người diễn viên, trước sự tiếp nhận trực tiếp của công chúng, những người trong tâm khảm đã in sâu hình ảnh cụ thể về Bác, từ gương mặt, dáng người đến giọng nói và các cử chỉ thông thường, không gây ra sự ngỡ ngàng, xa lạ và gượng ép?

Có khi nào là dễ dàng trong việc tái hiện được cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại lớn lao của Người qua hình thức sân khấu hóa? Để biểu đạt được hình tượng Bác Hồ, truyền tải được biểu cảm, hành động, tư tưởng của Người đến với công chúng thông qua việc nghe, nhìn sao cho gần gũi, tự nhiên, quen thuộc cần biết bao tâm sức của mỗi nghệ sĩ?…

Thế nhưng, với mỗi nghệ sĩ, khi được sáng tạo từ hình tượng Bác Hồ, đó là sứ mệnh thiêng liêng, là niềm tự hào nên ai cũng cố gắng vượt qua những thách thức ấy để có thể hóa thân thật xuất sắc bằng cả tấm lòng kính yêu dâng lên Người.

Hình tượng Bác Hồ trong vở kịch 'Đêm trắng' của Nhà hát Kịch Việt Nam, bản dựng năm 2021. Ảnh: NHKVN.

Hình tượng Bác Hồ trong vở kịch 'Đêm trắng' của Nhà hát Kịch Việt Nam, bản dựng năm 2021. Ảnh: NHKVN.

Lúc sinh thời, NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ, vai diễn Bác Hồ chính là “niềm vinh dự đặc biệt” của cuộc đời mình nên ông không ỷ thế có hình dáng, giọng nói khá giống Bác Hồ mà luôn khổ luyện, học hỏi từ dáng đi, giọng nói, biểu cảm… sao cho đem đến cho khán giả hình ảnh chân thực nhất về Người.

Với các biên kịch khi đặt bút viết những kịch bản về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Tinh thần nhân bản của Bác đã lắng đọng, sâu đậm trong chúng tôi. Mỗi lần viết kịch bản, chúng tôi đều mang tư tưởng, đạo đức của Bác mà Bác đã truyền dạy, kể cả tiếp thu đức độ nhân bản của cha ông xưa “Việc nhân nghĩa, cốt ở yên dân”, tác giả Giang Phong bày tỏ.

Là người từng vào vai Bác Hồ và dàn dựng một số vở diễn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSND Lê Tiến Thọ cũng tâm huyết chia sẻ: “Vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa trong khi dàn dựng những tác phẩm sân khấu, tôi luôn chú trọng, đề cao truyền thống cách mạng dân tộc để khẳng định tư tưởng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; và giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc được thể hiện trong vở tuồng “Không còn đường nào khác”…

Để làm sáng tỏ đạo đức, phong cách của Người, dù ở vị trí Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc nhưng khi nhận được những lá đơn, kêu oan trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”, Người đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm cho ra sự thật và tự thân mình còn đi thực tế gặp trực tiếp những người có hoàn cảnh khó khăn để có cách giải quyết thấu đáo, tránh oan sai cũng như quan điểm: Việc lo cho con người không bao giờ là chuyện nhỏ!”

Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, để ngày càng có nhiều tác phẩm sân khấu lấy Bác Hồ làm trung tâm, làm nguồn cảm hứng với những sáng tạo, tìm tòi mới và xứng đáng hơn nữa với sự mệnh thiêng liêng này, đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, các thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện tinh tế…

Trong đó, các nhà biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ phải tích cực đọc các tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Người, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước. Với đội ngũ diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất… để có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, bao dung, giản dị trên sân khấu. Đặc biệt, phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ