Cách thể hiện mới về hình tượng Bác Hồ

GD&TĐ - Trong đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khán giả lại có cơ hội gặp lại hình ảnh Bác Hồ qua bộ phim Nhà tiên tri. Một lần nữa, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hiện lên thật giản dị, ấm áp và thấm đẫm chất thơ.

Cách thể hiện mới về hình tượng Bác Hồ

Câu chuyện lịch sử sống động

Bộ phim Nhà tiên tri (đạo diễn chính Vương Đức, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đặt hàng và đầu tư ngân sách vào sản xuất năm 2012 và Hãng phim Truyện Việt Nam thực hiện năm 2014. 

Phim lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1947 - 1950 tại Việt Bắc - nơi Bác Hồ đã tiên đoán về chiến thắng của quân và dân ta năm 1954, từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô.

Bộ phim tái hiện một thời gian khổ, hy sinh nhưng đầy sắc màu huyền thoại của dân tộc khi Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1947 - 1950). 

Phim có những cảnh quay chân thực, cảm động khiến khán giả không nén nổi xúc động khi chứng kiến cảnh Bác và các đồng chí lãnh đạo, chiến sĩ cùng “nếm mật nằm gai” tại chiến khu Việt Bắc; cảnh nghẹt thở khi Trung ương Chính phủ đã kịp sơ tán trước sự vây ráp của kẻ thù; cảnh trao quyết định phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp; cảnh cô cấp dưỡng bị mắc lựu đạn của Pháp trên đường đi hái rau đầy xúc động...

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, tác giả kịch bản phim Nhà tiên tri, người trung thành với đề tài chiến tranh và người lính cho biết: Sau kịch bản Hà Nội mùa đông 1946, từ năm 2007 anh bắt tay vào xây dựng kịch bản từ hai truyện ngắn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trước năm 1954 là Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm

Đến năm 2011 kịch bản mới trình làng. 5 năm ấy “tôi đã bỏ ra nhiều năm để đọc, để nghiên cứu cuộc đời Bác qua nhiều tài liệu, nhiều tác giả trong và ngoài nước”.

Bản thân tên gọi của bộ phim đã được nhà biên kịch, đạo diễn bàn thảo và định đổi tên phim khá nhiều. Nhưng cuối cùng sau quá trình nghiên cứu về người, nhóm thực hiện dự án quyết định lấy cái tên đầu tiên “Nhà tiên tri”.

Nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn nhận xét: Rất lâu rồi mới có một kịch bản phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh gây ấn tượng. Bộ phim như bài thơ, kết hợp trong công nghệ làm phim mới, kỹ xảo 3D khiến cho những cảnh quay về phim mang tính chất chiến tranh, phảng phất tính trinh thám, phấp phỏng nhưng lại không bị mệt mỏi, tạo cho người xem những xúc cảm ngoài khuôn hình.

Đó là hình dung về một Chính phủ kháng chiến giữa núi rừng hùng vĩ mà chẳng quốc gia nào có được, là chân dung vị lãnh tụ vĩ đại dồn hết tâm lực, trí lực cho nền độc lập, tự do của dân tộc

Ước vọng hòa bình

Làm phim về chiến tranh cách mạng đã khó, nhưng làm phim về chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh lâu nay luôn là thách thức lớn đối với các nhà điện ảnh nước ta bởi cùng lúc phải đảm bảo tính chân thực của sự kiện, vừa phải đạt được tính nghệ thuật.

Đạo diễn Vương Đức cho biết: “Khi làm phim này, chúng tôi đã cố gắng sử dụng các chi tiết sinh động để phản ánh cuộc chiến gian khổ ác liệt, sự thông minh, tài trí, dũng cảm của quân đội ta trong điều kiện vũ khí thô sơ, thiếu thốn. 

Những nghệ sĩ chúng tôi đã gửi gắm nhiều tâm huyết để mang Nhà tiên tri đến công chúng không chỉ một câu chuyện lịch sử về một nhân vật lịch sử lớn, mà bộ phim còn đề cập đến vấn đề lớn nhất của tất cả các lãnh tụ và các dân tộc trên thế giới này, đó là vấn đề về chiến tranh và hòa bình”.

Nhà phê bình điện ảnh Đoàn Minh Tuấn nói: “Đây là kịch bản khó vì không có đường dây nào xuyên suốt, nhất là cách kể chuyện trong phim giống phong cách kể chuyện của đạo diễn nổi tiếng của Nhật Bản là nuôi dưỡng những cảm xúc ngoài khuôn hình. Nhiều cảnh trình bày nhưng cảm xúc lại nằm sau câu chuyện, dành nửa phần cho khán giả thưởng thức dư âm của câu chuyện nhỏ”.

Ở một bộ phim về lịch sử, nhưng đạo diễn Vương Đức đã “thổi” được vào cả tinh thần lãng mạn, đủ để làm “mềm” những chi tiết về chiến tranh khốc liệt. 

Với Nhà tiên tri, điện ảnh Việt Nam có thêm một bộ phim nữa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đây cũng thể hiện sự nhiệt huyết, sáng tạo cống hiến của những người làm nghệ thuật.

Nhà tiên tri chiếu khai mạc đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, diễn ra từ 19/8 - 5/9 trên khắp cả nước.                                                                                                                                                                                                           Trong đợt phim này, khán giả có cơ hội xem phim truyện Mộ gió, phim tài liệu 70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng gồm 2 tập của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất; phim hoạt hình Kim Đồng do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ