Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ

Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ

(GD&TĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ", tại Hà Nội.

Trích vở diễn “Những vần thơ thép” (Ảnh: gdtd.vn)
Trích vở diễn “Những vần thơ thép” (Ảnh: gdtd.vn)
Hình tượng Hồ Chủ tịch đã được các loại hình văn học-nghệ thuật khai thác nhiều ngay từ khi Người còn sống. Nhưng mãi đến năm 1976, lần đầu tiên hình tượng Bác mới được tái hiện trên sân khấu với vở “Người công dân số 1”(sáng tác của Vũ Đình Phong và Hà Văn Cầu). Kể từ đó, hình tường Bác Hồ xuất hiện rất nhiều trên sân khấu, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ.
Từ thực tiễn các vở diễn, trích đoạn về đề tài Bác Hồ thời gian qua, Hội thảo phân tích đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm về việc thể hiện hình tượng Bác Hồ qua các khâu sáng tác kịch bản, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, tạo cơ sở lí luận để tiếp tục xây dựng các vở diễn mới về đề tài Bác Hồ, thiết thực tham gia cuộc vận động sáng tác và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ là thỏa mãn nỗi nhớ của công chúng về một con người vĩ đại, về một người lãnh tụ gần gũi bằng xương bằng thịt, mà lớn hơn thế là mục đích, là lý tưởng của cuộc sống hôm nay.
GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khảng định, đây là một công việc vô cùng khó khăn bởi xây dựng hình tượng Hồ Chủ tịch không chỉ đòi hỏi giống về ngoại hình mà còn phải giống về cốt cách, phong cách và tâm hồn của một lãnh tụ vĩ đại mà toàn dân tộc thành kính tôn thờ. Làm thế nào để đưa được tư tưởng Hồ Chí Minh vào sâu rộng trong nhân dân một cách tốt nhất đáp ứng sự đòi hỏi chủa nhân dân là được chiêm ngưỡng hình ảnh Bác có chiều sâu hơn, giống hơn, sống động và xúc động hơn trên sân khấu. 
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ minh họa cho câu chuyện mà đòi hỏi cao hơn là xây dựng được nhân vật điển hình. Một số vở diễn như: Người công dân số một, Lịch sử và nhân chứng... đã thể hiện hình tượng Bác trong bối cảnh lịch sử điển hình. Vở “Đêm trắng” thể hiện thái độ kiên quyết của Bác trước sự tha hóa của cán bộ, đảng viên. Các vở diễn đã khắc họa hoàn cảnh điển hình để bộc lộ tính cách điển hình của nhân vật. 
Nói về cảm xúc khi thể hiện hình tượng Bác Hồ, NSƯT Đức Trung bày tỏ: “Ba lần thể hiện hình tượng Bác Hồ với 3 thể loại khác nhau trong các tác phẩm dài hơi gồm: kịch nói, nhạc vũ kịch, phim truyền hình, đó là vinh dự lớn để đời, giúp tôi được trải nghiệm những bài học quý giá, những suy nghĩ, trăn trở của quá trình nghiên cứu, rèn luyện để tái hiện cốt cách một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tôi hiểu rằng, đây là trách nhiệm vô cùng lớn, phải lao động hết tâm, hết sức để đáp lại kỳ vọng và vinh dự lớn lao của đồng nghiệp và nhân dân. Là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi ao ước có dịp được tái hiện hình tượng Bác Hồ trong tác phẩm mới”. 
Gần đây, những tác phẩm sân khấu về đề tài Bác Hồ còn thiếu. Hơn nữa để tìm được một nghệ sĩ trẻ có ngoại hình, giọng nói, cách diễn tốt về Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là không đơn giản. Thiết nghĩ, các Nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải có chiến lược lâu dài, xây dựng nhiều vở diễn về hình tượng Bác Hồ để khán giả ngày nay hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của Người. Từ kinh nghiệm ấy, chắc chắn các thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ có được những kinh nghiệm quý để sáng tạo ra những tác phẩm hay về hình tượng Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Lộc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ