Vì thế càng tự hào với nghề cao quý, mỗi người làm công tác giáo dục lại càng thấy rõ sứ mệnh của mình trong sự nghiệp “trồng người”.
Ngay từ năm 1957, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo đã quyết định lấy ngày 20/11 là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Tại nước ta, truyền thống “tôn sư trọng đạo” càng được thể hiện rõ bởi nó được hun đúc từ “đạo làm người” đã tạo thành một dòng chảy không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt cho dù có gặp phong ba bão táp, nhưng mãi mãi giữ nguyên giá trị. Vì thế ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 làm ngày “Nhà giáo Việt Nam”.
Từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân và được tổ chức kỷ niệm trọng thể ở khắp các địa phương trong cả nước, nhằm tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự học và ngành Giáo dục nước nhà.
Năm nay kỷ niệm lần thứ 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam đúng vào thời điểm toàn ngành tổ chức các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục và triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, phong trào “đổi mới sáng tạo trong dạy và học” đã và đang triển khai rộng khắp trong toàn ngành càng làm cho không khí ngày 20/11 năm nay rộn rã hơn, ai cũng vui mừng phấn khởi trong niềm kiêu hãnh, bởi một điều thật giản dị mà cũng thật ý nghĩa, được làm một công việc của “nghề cao quý nhất, trong những nghề cao quý” - nghề cả xã hội trân trọng và tôn vinh.