Vượt khó đưa con chữ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa
“Vượt rừng, lội suối đã quá cực nhọc, nhưng đến vận động bà con không chịu đi học càng thất vọng hơn. Nhưng vì quyết tâm xóa mù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên chúng tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng bà con cũng hiểu ra và theo luôn về trường”. Đó là những chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Diệm, giáo viên trường Tiểu học Xuân La, huyện Pác Nặm, khi trực tiếp tham gia dạy lớp xoá mù chữ tại thôn Khuổi Bốc.
Cô Diệm cho biết: 28 học viên lớp học xóa mù này đều là những người nghèo khó, chủ yếu là đồng bào Dao, Mông nhà ở tận rừng sâu, ít khi tiếp xúc với bên ngoài. Nhiều người không biết tiếng kinh hoặc nói tiếng kinh chưa sõi, nhiều người đã lớn tuổi nhưng dù có khó khăn đến mấy, bằng mọi cách chúng tôi đã giúp bà con biết đọc, biết viết, biết đếm con số.
Quá trình dạy học tại thôn Khuổi Bốc các thầy cô giáo đã phải vượt rừng, vượt núi, đường đi lại khó khăn. Ngày nắng cũng như mưa, sương lạnh cũng như oi bức; các thầy cô nhiệt tình bám trường dạy chữ.
Cô giáo Hoàng Thị Diệm cho chia sẻ: Dạy cho học sinh lớp học xóa mù là một thử thách. Nhiều học viên đã lớn tuổi, việc tiếp thu cũng khó khăn hơn. Đặc biệt là tâm lý học sinh có tâm lý ngại đến lớp, nếu không biết cách động viên, hiểu tâm lý và biết tiếng dân tộc sẽ rất khó khăn trong truyền thụ kiến thức”.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn đang đồng cam cộng khổ cùng bà con dân bản, đưa con chữ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Còn bà con cũng cố gắng, nỗ lực và ở họ đều có chung ý chí, niềm khát vọng được học chữ để thay đổi cuộc sống.
28 học viên lớp xoá mù chữ ở thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm đều ở lứa tuổi từ 18-45 tuổi, đều là người dân tộc Mông, Dao có hoàn cảnh khó khăn. |
Học viên phấn khởi tích cực học tập
Lớp học xoá mù chữ ở thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm đều ở lứa tuổi từ 18-45 tuổi. Chị Triệu Thị Nái, người dân tộc Dao, là học viên của lớp, chị Nái cho biết: Từ nhỏ tôi đã không được tiếp cận với con chữ nên ngay khi biết tin mở lớp xóa mù tại bản, được sự quan tâm động viên của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo trường Tiểu học Xuân La, tôi liền đăng ký tham gia. Sau hơn 3 tháng theo học, đến nay tôi đã biết viết, biết đọc.
Chị Nái chia sẻ: Biết đọc, biết viết phấn khởi lắm, từ nay tôi đã biết xem các biển chỉ dẫn, biết đọc sách báo, từ đó tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng hơn.
Tôi rất cảm ơn các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn vượt đường xa xôi vào tận bản mở lớp, nếu không có các thầy cô chúng tôi không biết khi nào mới có thể biết đọc, biết viết nữa.
Tương tự như trường hợp của chị Nái, gia đình chị Dương Thị Dậu cũng có hoàn cảnh khó khăn, hồi nhỏ không được tới lớp, nên chị chưa đi học lần nào. Không ai biết chữ, lại càng không biết tính toán, làm gì cũng khó khăn. Chị rất vui vì lớp được mở tại bản.
Chị Dậu chia sẻ: Tôi rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm mở lớp và có cơ hội đi học, hai vợ tôi bảo ban nhau trong cả quá trình học ở lớp và về nhà thì nhờ con hướng dẫn thêm.
Quá trình dạy học, các thầy cô rất quan tâm, thường xuyên động viên, hỗ trợ và tạo điều kiện hết mức để chúng tôi có mặt đầy đủ, tích cực học tập. Nhiều lúc đi làm cả ngày mệt, cũng muốn nghỉ học, nhưng các thầy cô lại động viên mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nên chúng tôi lại tiếp tục cắp sách tới lớp.
Đến nay, tôi đã biết được chữ cái, viết được tên mình, biết các con số và tính được phép tính đơn giản. Đặc biệt, từ ngày 2 vợ chồng đến lớp xóa mù, chúng tôi đã tự tin hơn trong giao tiếp và quan trọng hơn cả từ giờ đi chợ không cần nhờ người khác tính hộ nữa rồi. Biết cái chữ, chị không còn mặc cảm, tự ti và xấu hổ. Các con đi học về, chúng cũng hỗ trợ đọc, viết và mình cũng hỏi được con hôm nay học những gì, để chúng hào hứng chia sẻ.