Xuất phát từ đặc thù tri thức của môn đạo đức ở bậc Tiểu học, đặc điểm tâm sinh lí cũng như quy luật nhận thức và tư duy của học sinh (HS) ở lứa tuổi này, việc dạy học môn đạo đức đòi hỏi người giáo viên (GV) phải thường xuyên sử dụng truyện kể (TK) theo hướng hình thành, bồi dưỡng và phát triển năng lực của HS, nhất là năng lực xác định nhận biết các giá trị; chuẩn mực đạo đức tiến bộ và đặc biệt là năng lực đánh giá và tự giác thực hành các hành vi, thói quen đạo đức đơn giản trong đời sống thực tiễn thông qua mối quan hệ với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Để hướng đến phát triển những năng lực kể trên, TK cần được sử dụng theo các dạng thức sau:
Sử dụng TK để tổ chức hoạt động khởi động
Hoạt động khởi động có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tiếp nhận nội dung bài học của HS. Nhiệm vụ quan trọng nhất của hoạt động này là giúp HS hình thành được sự hứng thú, hưng phấn với chủ đề sắp được khám khá. Tâm thế và niềm hứng khởi ấy được so sánh như chất kích hoạt cho việc giải phóng năng lượng trí tuệ của HS.
Với thế mạnh của mình, TK với những tình tiết, mâu thuẫn và xung đột bất ngờ sẽ lôi cuốn được HS và kích thích được tính tò mò, ham hiểu biết đối với bài học mới.
Trước khi bước vào tiết học, GV dẫn dắt HS vào nội dung bài học bằng một TK đạo đức cụ thể. Từ nội dung câu chuyện, GV gợi mở, liên hệ với chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận bài học mới cho HS. Chẳng hạn như, để mở đầu bài học “Quan tâm, giúp đỡ bạn” (bài 6, Đạo đức 2), GV có thể sử dụng TK “Bài học quý” với nội dung như sau:
Trong khu rừng kia, chú Sẻ và Chích bông chơi với nhau rất thân. Một hôm, Sẻ nhận được một món quà của bà ngoại gửi đến. Đó là một chiếc hộp đựng toàn hạt kê. Sẻ không nói một lời nào về món quà lớn ấy cả. “Nếu cho cả Chích nữa thì mình sẻ chẳng còn là bao!”
Sẻ ở trong tổ ăn hạt kê một mình. Khi kê hết, chú bèn quẳng chiếc hộp đi. Những hạt kê còn sót lại bay ra khỏi hộp. Cô Gió đưa chúng đến một đám cỏ non xanh dưới một gốc cây xa lạ... Chú Chích đi kiếm mồi, gặp những hạt kê ngon lành ấy, bèn gói cẩn thận vào một chiếc lá, rồi mừng rỡ chạy đi tìm người bạn thân thiết của mình. Vừa gặp Sẻ, Chích đã reo lên :
- Chào bạn Sẻ thân mến ! Mình vừa kiếm được muời hạt kê ngon nhé. Đây này, bây giờ chúng mình hãy chia đôi : cậu năm hạt, mình năm hạt…
Nghe Chích nói, Sẻ xấu hổ quá. Chú đã nhận ra một điều: Cần phải biết quan tâm và chia sẻ với bạn bè và mọi người.
Với TK trên, GV đặt một vài câu hỏi gợi mở để HS tự đưa ra những nhận định, đánh giá của bản thân mình đối với hành vi ứng xử, việc làm trong tình bạn của nhân vật chim Sẻ và Chích Bông và khái quát về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc quan tâm, giúp đỡ bạn trong cuộc sống của mỗi cá nhân con người. Từ đó, GV tạo ra tâm thế tiếp nhận chủ đề của bài học mới.
Sử dụng TK để hình thành kiến thức mới
Đây là biện pháp thường được GV sử dụng nhiều nhất. Trong trường hợp này, thông qua việc thực hiện những hành vi, việc làm hoặc cách thức giải quyết các tình huống giữa các nhân vật trong truyện, người GV khéo léo tổ chức cho HS khai thác truyện để tự mình tìm ra những giá trị, chuẩn mực đạo đức hoặc đưa ra nhận định, đánh giá của cá nhân mình trước những hành vi, việc làm của các nhân vật. Ta lấy trường hợp sau làm ví dụ:
Để hình thành kiến thức mới về những điều tạo nên nét đẹp truyền thống đáng tự hào về Tổ quốc Việt Nam trong bài “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” (bài 11 lớp 5), GV có thể dùng câu chuyện “Người đan sọt” như sau để hỗ trợ cho hoạt động này.
Một buổi sáng, bên vệ đường làng Phù Ủng có một chàng trai ngồi đan sọt. Chàng mải miết với công việc và đăm chiêu suy nghĩ về việc nước nên không hề hay biết những cảnh vật xung quanh mình.
Giữa lúc ấy, đoàn quân đưa kiệu Trần Hưng Đạo đi ngang qua làng. Lối hẹp, quân đông võng xe chật đường, loa phát thanh náo nhiệt. Thế nhưng, chàng trai vẫn ngồi điềm nhiên đan sọt. Quân mở đường giận quá bèn lấy giáo đâm vào đùi chàng trai, máu chảy lai láng nhưng chàng trai vẫn không hay biết.
Kiệu Hưng Đạo Vương đến gần. Lúc ấy, chàng trai mới sực tỉnh và vội đứng dậy vái chào. Khi được hỏi vì sao không biết gì khi đùi bị đâm đến chảy máu, chàng trai đã khảng khái cho biết vì mãi nghĩ mấy câu trong sách Binh thư.
Trần Hưng Đạo hỏi tên, chàng trai xưng Phạm Ngũ Lão. Hỏi đến chiến thuật dùng binh, chàng trai trả lời trôi chảy. Hưng Đạo tỏ lòng mến trọng người tài, đưa theo về kinh đô. Sau đó, Phạm Ngũ Lão cầm quân đánh giặc và lập được chiến công lớn.
Sau khi kể xong câu chuyện trên, GV tổ chức cho HS trả lời một số câu hỏi có tính dẫn dắt như:
1. Chàng trai Phạm Ngũ Lão có đã có những tài năng gì đặc biệt trong TK trên?
2. Tài năng của Phạm Ngũ Lão thể hiện ở chi tiết nào trong TK trên?
3. Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về nhân tài của đất Việt qua TK trên.
Qua nội dung trả lời của HS, GV khái quát về những nhân tài đất Việt đã làm rạng danh Tổ quốc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, góp phần hun đúc lòng tự hào và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Tổ quốc ta.
Sử dụng TK để liên hệ, thực hành, vận dụng
Đây là hoạt động được tiến hành nhằm mục đích củng cố kiến thức đã được tiếp thu, lĩnh hội ở hoạt động trước đó, đồng thời tạo điều kiện liên kết giữa nội dung tri thức với thực tiễn cuộc sống.
Trong dạy học theo định hướng năng lực, đây là hoạt động rất quan trọng vì nó chính là nơi đánh giá mức độ lĩnh hội tri thức cũng như tạo lập môi trường thực tiễn giả định để HS được ứng dụng nội dung bài học trong việc thực hành các hành vi đạo đức.
Khi ấy, mỗi câu chuyện được GV sử dụng sẽ đóng vai trò như một phương tiện để đưa HS vào tình huống có vấn đề và giải quyết tình huống ấy với những tri thức đã được trang bị. Chúng ta lấy TK “Em bé và bông hồng” được dùng trong dạy học bài “Giữ gìn các công trình công cộng” (bài 11, Đạo đức 4) sau đây làm ví dụ:
Giữa vườn lá um tùm xanh mướt của vườn hoa công viên còn ướt đẫm sương đêm, một bông hoa rập rờn trước gió. Màu hoa đỏ thắm. Cánh hoa mịn màng, khum khum úp sát vào nhau như còn ngập ngừng chưa muốn nở hết. Đóa hoa tỏa hương thơm ngát. “Ôi ! Bông hồng đẹp quá !” – Một em bé đi chơi công viên cùng mẹ khẽ reo lên và với tay định hái. Người mẹ trông thấy thế liền bảo:
- Con yêu ! Mẹ đố con đọc được những gì trên tấm biển giữa vườn hoa kia !
Bé vừa đánh vần vừa đọc. Bỗng em ôm chầm lấy mẹ và thỏ thẻ: “Mẹ ơi! Con không hái hoa nữa”.
Sau khi kể xong, đặt ra những câu hỏi có tính chất vận dụng, thực hành như sau:
1. Theo em, tấm biển mà em bé trong câu chuyện vùa đánh vần vừa đọc có nội dung gì?
2. Từ câu chuyện, em hãy thử kể thêm những hành vi nên làm và không nên làm để góp phần giữ gìn các công trình công cộng?
Như vậy, với những câu hỏi trên đây, TK được sử dụng trong hoạt động này đã đóng vai trò như một phương tiện để giúp GV tổ chức thành các bài tập thực hành, vận dụng nhằm giúp HS có cơ hội để chuyển tri thức thành hành động thực tiễn, qua đó bồi đắp năng lực xác định nhận biết các giá trị; chuẩn mực đạo đức tiến bộ và đặc biệt là năng lực đánh giá và tự giác thực hành các hành vi, thói quen đạo đức.
Những ví dụ trên đây cho thấy, việc sử dụng TK trong dạy học môn đạo đức ở tiểu học theo định hướng năng lực đã đặt ra những yêu cầu cao hơn so với dạy học theo định hướng nội dung.
Ở đây, ngoài những yêu cầu chung về bản thân TK như phải phù hợp với mục tiêu dạy học, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính vừa sức thì quá trình sử dụng TK theo định hướng này còn yêu cầu phải phù hợp với những các năng lực cụ thể cần được hình thành ở mỗi bài học; phải đa dạng hóa các hình thức biểu đạt TK để tạo sự sinh động; tạo điều kiện để HS tiếp nhận TK một cách tự giác, chủ động và sáng tạo;... Tất cả nhằm giúp khai thác tối đa nội dung và ý nghĩa của TK trong việc hình thành và bối dưỡng năng lực ở HS.