Sử dụng SGK Tiếng Việt - 1: Những bài học quý từ cơ sở

Sử dụng SGK Tiếng Việt - 1: Những bài học quý từ cơ sở

(GD&TĐ) - Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt - 1 CGD đã được Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng như một phương án dạy học trong trường Tiểu học. Trong năm học 2013 - 2014 đã có 35 tỉnh, thành sử dụng bộ sách này. Để bộ sách phát huy hiệu quả, đặc biệt là tổ chức trường lớp, tập huấn cho giáo viên, báo GD&TĐ tổ chức “bàn tròn” lấy ý kiến từ các cơ sở, giới thiệu những thuận lợi, khó khăn, cách áp dụng và bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng.

Học sinh Tây Nguyên học theo chương trình Tiếng Việt 1
Học sinh Tây Nguyên học theo chương trình Tiếng Việt 1
 

Vượt khó để thực hiện Tiếng Việt 1 CGD

Sau chuyến công tác hỗ trợ kĩ thuật dạy Tiếng Việt 1 CGD tại Đắk Lắk, đoàn công tác chúng tôi đã đi một số huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk dự giờ và góp ý. Tôi thấy chương trình Tiếng Việt 1 CGD đã được các nhà giáo dục ở đây đón nhận một cách rất tích cực. Đa số các giáo viên đứng lớp đã tuân thủ chặt chẽ quy trình dạy 4 việc như sách thiết kế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên chưa tuân thủ đúng quy trình dạy vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là họ chưa nghiên cứu kĩ tài liệu hoặc là chưa hiểu được ngụ ý của tác giả, có một số giáo viên thì đã quá quen với phương pháp dạy Tiếng Việt 1 hiện hành nên còn lẫn lộn giữa 2 phương pháp. Điều đáng mừng nhất ở đây là đa số giáo viên và cán bộ quản lí đều khẳng định chương trình có rất nhiều ưu điểm.

 Đoàn đã đi tất cả 12 huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gặp gỡ rất nhiều giáo viên và được nghe họ trình bày những vướng mắc, băn khoăn khi giảng dạy chương trình TV1 CGD, đa số giáo viên đều lo lắng, băn khoăn không biết dạy theo chương trình này có kết quả không, nói chung là đều lo lắng đến chất lượng học sinh. Chúng tôi đã giúp họ giải đáp các thắc mắc về chương trình sách giáo khoa, sách thiết kế, phương pháp và một số kĩ thuật, thủ thuật trong dạy học. 

Ngoài ra, còn chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân mong rằng sẽ có ích cho các giáo viên trong quá trình giảng dạy. Mỗi nơi chúng tôi đến đều có những khó khăn riêng, nhưng nhìn chung tất cả đều hướng tới chất lượng học sinh.

Một số huyện mặc dù mới thực hiện năm đầu tiên nhưng đã có những giáo viên dạy rất tốt như: huyện Easup, Krôngana, Trường tiểu học Eavi huyện EaHleo... Có nhiều tiết dạy khi dự xong chúng tôi rất yên tâm và có lẽ những năm tiếp theo họ sẽ làm rất tốt.

Những ngày đầu thực hiện chương trình TV1 CGD này, bản thân tôi cũng gặp không ít khó khăn. Là một giáo viên đã nhiều năm gắn kết với lớp 1 từ khi chương trình Tiếng Việt 1 bắt đầu bằng ò...ó...o., rồi e, b, tôi đã thuộc lòng từng bài dạy, thử hỏi là sao không gặp khó khăn khi thay đổi chương trình và phương pháp dạy một cách hoàn toàn như vậy.

Những năm tỉnh Kon Tum bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình Tiếng Việt 1 CGD. Lúc đó tôi nằm trong diện luân chuyển nên không được đi tập huấn. Vì vậy, tôi được bố trí giảng dạy các lớp khác. Đến năm học 2009-2010 nhà trường mạnh dạn phân công tôi đứng lớp 1.

Tôi rất lo lắng không biết mình có đảm đương nổi không vì trước mắt tôi có rất nhiều khó khăn: Khó khăn lớn nhất là tôi chưa nắm bắt được chương trình, hơn nữa chương trình Tiếng Việt 1 hiện hành đã ăn sâu vào máu thịt của tôi. Vậy thì trong một chốc tôi có thể quên hoàn toàn để đón nhận một chương trình mới lạ được không?

Khó khăn thứ hai là lớp học toàn học sinh dân tộc bản địa, có 2 học sinh khó khăn là học sinh lưu ban lại, một số em thường xuyên theo bố mẹ đi làm rẫy xa nên chưa qua lớp mẫu giáo... Khó khăn chồng chất khó khăn.

Những tuần đầu đứng lớp tôi luôn luôn sống trong tâm trạng lo lắng, nhưng biết làm sao được, nhiệm vụ là phải làm và làm cho thật tốt. Tôi bắt đầu nghiên cứu tài liệu tập huấn để hiểu được bản chất của chương trình, sau đó tôi đọc lướt qua 3 quyển thiết kế để hiểu được quan điểm của tác giả. 

Cô và trò trong giờ học Tiếng Việt 1
Cô và trò trong giờ học Tiếng Việt 1
 

Nỗ lực của người thầy sẽ đem đến thành công

Tôi luôn đặt ra những câu hỏi rồi lại tự mình giải quyết các câu hỏi đó như: Tại sao lại phải làm như thế này mà không làm như thế kia; Tại sao lại phải phân tích trước khi viết chính tả và tại sao phải phân tích bằng tay trái trước...

Càng tìm hiểu sâu tôi càng thấy những gì tác giả đưa ra đều có lí do cả. Khi đã hiểu thấu chương trình, tôi bắt đầu tuân thủ theo thiết kế, một số tiết tôi có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Đến cuối học kì 1 thì tôi đã hoàn toàn quên hẳn chương trình Tiếng Việt 1 hiện hành, các tiết dạy của tôi không hề pha tạp mà hoàn toàn theo quan điểm của công nghệ.

Điều đáng mừng ở đây là chất lượng học sinh đã chuyển biến rõ rệt. Kết quả cuối năm học, học sinh lên lớp 100% kể cả học sinh trước đó được coi là yếu, tỉ lệ học sinh khá, giỏi cao hơn so với các năm trước. 

 Sau đó, tôi lại chuyển về công tác tại Trường Tiểu học số 2 thị trấn. Đây là trường năm đầu tiên thực hiện chương trình Tiếng Việt 1 CNGD. Tôi tiếp tục được phân công đứng lớp 1 với sĩ số học sinh là 43 em, trong đó có cả HS dân tộc, học sinh khó khăn. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Lớp quá đông, đối tượng học sinh khác so với năm trước nên tôi lại một lần nữa phải băn khoăn lo lắng. Lần này tôi tuân thủ 4 việc cứng theo thiết kế.

Tuy nhiên, trong mỗi việc tôi đều điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng học sinh và kết quả cuối năm thật bất ngờ, chỉ có vài học sinh khó khăn là xếp loại học lực trung bình còn lại là học sinh khá, giỏi. Điều đáng mừng ở đây là kĩ năng nghe - nói - đọc - viết của các em được nâng lên rõ rệt.

 Qua 2 năm trực tiếp giảng dạy tôi mới thấu hiểu được câu nói: Đối với chương trình Tiếng Việt CGD là: “Học đến đâu biết đến đó; học một biết mười" mà tác giả quyển sách đã nói. 

Nhà giáo Bùi Nhi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ