Sử dụng phiếu học tập trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Việc sử dụng phiếu học tập (PHT) trong dạy học Ngữ văn phát huy được vai trò chủ thể trong hoạt động học tập của HS, góp phần tạo sự hấp dẫn, hứng thú trong tiết dạy.

HS sử dụng Phiếu học tập trong tiết Ngữ văn. Ảnh: M.H
HS sử dụng Phiếu học tập trong tiết Ngữ văn. Ảnh: M.H

Thiết kế phiếu học tập

* Xác định ý tưởng

Trước hết, GV nên chú ý xác định những trường hợp nào thật sự cần thiết sử dụng PHT. Trong một tiết dạy, GV chỉ nên sử dụng từ 1 đến 3 PHT, vì nếu sử dụng quá nhiều PHT cho một hình thức dạy học có thể sẽ làm giảm hứng thú ở HS. Cần kết hợp sử dụng các phương pháp và phương tiện dạy học khác để có được sự đa dạng trong tiết dạy.

* Xác định cách trình bày nội dung và hình thức

Việc xác định vấn đề hay nhiệm vụ của bài học đã phải làm từ khi xây dựng ý tưởng. Ở bước này cần cụ thể hoá và làm cho ý tưởng đó chính xác hơn trong nội dung các PHT. Từ đó tổ chức bộ phiếu sao cho thích hợp nhất về mặt nội dung, lôgic, cấu trúc và kĩ thuật.

Việc phân bố những dữ kiện và công việc trong PHT cần được kết hợp nhuần nhuyễn với việc lựa chọn hình thức biểu hiện. Có những dữ liệu và sự kiện nên được trình bày bằng văn bản bình thường, có loại nên đưa vào sơ đồ, biểu mẫu,…

Có những trường hợp, thay vì dùng PHT là tờ giấy nhỏ, GV có thể thay bằng giấy cứng, kích thước to để HS có thể dán hay treo sản phẩm trực tiếp lên bảng.

* Tập hợp thông tin, dữ liệu

Bước này được tiến hành theo những tính toán ở trên. Các nguồn thông tin, dữ liệu có thể là sách hướng dẫn giảng dạy, sách hướng dẫn học tập, nhật báo, tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học - kĩ thuật,...

Để có PHT tốt, GV phải chịu khó tìm và khai thác những tài liệu ngoài chương trình giáo dục và sách giáo khoa, sách giáo viên một cách thường xuyên. Thông tin và dữ liệu cần được chủ động tích lũy và cập nhật, khi cần có thể tập hợp nhanh chóng để thiết kế hệ thống PHT kịp thời.

* Trình bày phiếu học tập

Trình bày trên một mặt giấy với ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu. Trên phiếu có thể được sử dụng cả văn bản (chữ) lẫn sơ đồ, hình thức rất đa dạng để tạo hứng thú học tập cho các em.

Cấu trúc của PHT gồm: tên phiếu (phiếu học tập), tên bài học, yêu cầu và những khoảng trống để học sinh tự trả lời. Nếu là phiếu nêu câu hỏi hay bài tập hướng dẫn HS tự học ở nhà thì có thể có hoặc không cần để các khoảng trống cho HS trả lời. Nếu trong một tiết dạy, GV dự định sử dụng nhiều hơn một PHT thì nên ghi rõ là PHT số mấy trên các phiếu.

* Chuẩn bị những lập luận câu hỏi và nhận xét để hướng dẫn và điều chỉnh quá trình học tập

Ý nghĩa chủ yếu của việc xử lí là thúc đẩy học tập, hỗ trợ quá trình học tập tiến triển theo hướng tích cực, và quan trọng nhất là khuyến khích HS mạnh dạn suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn.

Nếu việc chuẩn bị định hướng chu đáo sẽ có tác dụng hết sức mạnh mẽ đến hiệu quả học tập. HS có thể được động viên khám phá những giá trị vượt lên trên những tri thức sách vở, tích luỹ thêm nhiều sự kiện không có trong bài học, bổ sung cho mình rất nhiều điều trong phong cách tư duy và phong cách học tập.

Sử dụng phiếu trong tiết học

GV có thể sử dụng PHT để thực hiện các mục tiêu khác nhau theo tiến trình của giờ dạy. Khả năng sử dụng PHT vào mỗi khâu trong tiến trình giảng dạy để đạt mục tiêu là rất lớn.

Trong một tiết dạy 45 phút, hoạt động khám phá, chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kĩ năng là hoạt động chiếm lượng thời gian lớn nhất, và cũng là hoạt động mà GV có nhiều cơ hội sử dụng PHT nhằm đạt được mục tiêu bài dạy theo tiến trình. Cần xác định rằng, con đường hình thành tri thức là song song với hình thành, rèn luyện các kĩ năng.

Ví dụ, khi dạy bài Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tiết 55, để hướng dẫn HS tìm hiểu sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc của nhân vật Mị, GV có thể cho các nhóm HS hoàn thành PHT sau trong khoảng 10 phút.

 

Trong một tiết dạy học, dặn dò (hướng dẫn tự học) là hoạt động cuối cùng kết thúc tiết học. Thông thường, GV hay yêu cầu HS về học bài cũ và chuẩn bị bài mới, đồng thời có thể giao thêm cho các em các nhiệm vụ khác như bài tập, luyện tập trong sách giáo khoa hoặc GV tự ra. Một trong những khó khăn của GV là thời gian cho phần này ít (1 - 2 phút), nếu GV tự ra đề cho HS thì không có đủ thời gian để HS chép đề bài.

Đồng thời, trong thực tế hiện nay, khi dạy học theo chuẩn kiến thức - kĩ năng, một điều không thuận tiện cho HS là khi chuẩn bị bài mới, đặc biệt là các văn bản văn học, hệ thống các câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa không trùng khớp hoàn toàn với những nội dung mà GV sẽ hướng dẫn HS học tập trên lớp. Vì thế, khi tiến hành hoạt động dặn dò, GV nên thiết kế sẵn những PHT với các đề bài để HS không mất thời gian chép; hay hệ thống các câu hỏi bám sát chuẩn kiến thức - kĩ năng; đưa ra những yêu cầu cụ thể với nhiều mức độ để HS có thể đầu tư tìm hiểu trước ở nhà. Được vậy, quá trình dạy và học của GV lẫn HS sẽ vô cùng thuận tiện, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ