Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và Văn học, đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn GD cơ bản và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn – cho biết: Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở nhưng vẫn bảo đảm để HS có học vấn nền tảng.
4 lý do chương trình cần được xây dựng theo hướng mở
- Cụ thể hướng mở trong xây dựng chương trình là như thế nào? Ngoài quan điểm này, chương trình Ngữ văn mới còn được xây dựng theo những quan điểm nào khác, thưa ông?
- Xây dựng theo hướng mở, chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định các kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số ngữ liệu bắt buộc. Việc lựa chọn nội dung dạy học để biên soạn SGK dành quyền chủ động cho tác giả; việc tổ chức dạy học, soạn đề thi, kiểm tra đánh giá… dành quyền chủ động cho các cơ sở GD và giáo viên, miễn là đáp ứng các yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình.
Ngoài ra, chương trình Ngữ văn mới được xây dựng tuân thủ các quy định được nêu trong chương trình tổng thể. Chương trình xây dựng dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại, gồm: Các kết quả nghiên cứu về GD học, tâm lí học và phương pháp dạy học Ngữ văn hiện đại; Các thành tựu nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ học; thành tựu văn học Việt Nam qua các thời kì khác nhau; Kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam, đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI đến nay và xu thế quốc tế trong phát triển chương trình nói chung và chương trình môn Ngữ văn nói riêng những năm gần đây, nhất là của những nước phát triển; Thực tiễn xã hội, GD, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
Chương trình lấy các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói và nghe.
Chương trình vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình Ngữ văn đã có, đặc biệt là chương trình hiện hành.
- Vậy ông có thể cho biết tại sao chương trình cần xây dựng theo hướng mở?
- Tính mở trong chương trình Ngữ văn mới xuất phát từ thực tế sau:
Trước hết là do cuộc sống biến động liên tục, khôn lường, tri thức của nhân loại tăng lên rất nhanh, vì thế nhà trường cần cập nhật tri thức, bắt kịp những biến đổi của cuộc sống. Chương trình phải vừa bảo đảm nền tảng học vấn cốt lõi vừa luôn mềm dẻo, linh hoạt đáp ứng và phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn.
Thứ hai, bản chất của chương trình theo mô hình phát triển năng lực đòi hỏi tính mở vì nó hướng đến những phẩm chất và năng lực mà người học cần có chứ không phải là một hệ thống kiến thức cụ thể, có sẵn.
Thứ ba, chương trình phải mở mới, tạo điều kiện cho các tác giả SGK và giáo viên phát huy quyền tự chủ, sáng tạo, mới có thể đa dạng hóa các nguồn thông tin trong dạy học.
Thứ tư, để thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Muốn có nhiều SGK thì chương trình phải xây dựng theo hướng mở. Nếu chương trình đóng, quy định quá chi tiết đến từng bài, từng tác phẩm cho từng lớp, từng tuần… thì không thể có nhiều SGK khác nhau. Tất nhiên, mở nhưng vẫn phải bảo đảm để HS có học vấn nền tảng. Tác giả SGK và giáo viên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học cốt lõi nêu trong chương trình.
Mục tiêu của chương trình Ngữ văn
- Ông có thể cho biết, mục tiêu chung của chương trình Ngữ văn mới là gì?
- Chương trình Ngữ văn mới nhằm đến những mục tiêu chung sau đây:
Hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất cao đẹp: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính thông qua những hoạt động khám phá, tiếp nhận các văn bản ngôn từ, đặc biệt là văn bản văn học cùng với các hoạt động rèn luyện nghe, nói và thực hành tạo lập các kiểu văn bản thông dụng.
Góp phần giúp HS phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đặc biệt, chương trình môn Ngữ văn giúp HS phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học thông qua hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, tiếng Việt và các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
- Ở tiểu học, mục tiêu chương trình Ngữ văn là gì? Mục tiêu này có đảm bảo tính khả thi không, thưa ông?
- Chương trình Ngữ văn ở tiểu học góp phần giúp HS phát triển những phẩm chất cao đẹp đã nêu ở mục tiêu chung và giúp HS bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản; phát triển năng lực văn học qua việc rèn luyện cách đọc các văn bản văn học ở một số thể loại tiêu biểu; cuối bậc tiểu học nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người.
Để bảo đảm tính khả thi của những mục tiêu này, cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt nguồn lực con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp.
- Mục tiêu cụ thể của chương trình Ngữ văn cấp THCS là gì? Thưa ông, năng lực đặc thù nào sẽ được chú trọng nhiều hơn trong các mục tiêu dạy học Ngữ văn ở cấp THCS?
- Chương trình Ngữ văn cấp THCS giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: Biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn cả năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.
Ở THCS, các năng lực đặc thù của môn học đều được chú trọng nhằm bảo đảm sứ mạng của môn Ngữ văn trong nhà trường. Qua môn Ngữ văn ở THCS, HS được phát triển cả năng lực ngôn ngữ, nói rộng ra là năng lực giao tiếp và năng lực văn học, cảm thụ thẩm mĩ trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời nhau.
- Vậy còn mục tiêu cụ thể của chương trình Ngữ văn cấp THPT? Ông có thể cho biết, mục tiêu ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp có gì khác biệt so với mục tiêu ở cấp học dưới?
- Chương trình Ngữ văn ở THPT mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất, giúp HS tiếp tục phát triển những phẩm chất và các năng lực đã hình thành ở THCS. Mở rộng và nâng cao yêu cầu phát triển phẩm chất với các biểu hiện cụ thể: Có bản lĩnh, cá tính, có lí tưởng và hoài bão, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần hội nhập và ý thức công dân toàn cầu.
Thông qua những kiến thức phổ thông nền tảng, có tính hệ thống và sâu rộng hơn về văn học, tiếng Việt, chương trình môn Ngữ văn giúp HS có năng lực vững vàng để tiếp tục học lên CĐ, ĐH các trường nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Những mục tiêu của chương trình Ngữ văn mới cấp THPT vừa là sự tiếp nối các mục tiêu của chương trình cấp tiểu học và THCS, vừa có tính nâng cao theo hướng phân hóa. Một mặt, chương trình tiếp tục phát triển các năng lực đọc, viết, nói và nghe; mặt khác chương trình tạo cơ hội cho một số HS có định hướng theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn sau này được học một số chuyên đề tự chọn để nâng cao kiến thức Ngữ văn, thực hành đọc hiểu những tác phẩm văn học nổi tiếng qua một số giai đoạn lịch sử văn học quan trọng, hay của các trường phái, phong cách sáng tác khác nhau. Hệ thống chuyên đề này giúp HS có sự chuẩn bị tốt hơn để học lên bậc học cao hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Bài 2: Những kế thừa và khác biệt