Sử dụng điện thoại trong trường học: Quan trọng là ý thức người học

GD&TĐ - Vấn đề cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học trở nên “nóng” khi năm học mới bắt đầu.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám tham gia nhiều hoạt động trong giờ ra chơi. Ảnh: Y.Đ
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám tham gia nhiều hoạt động trong giờ ra chơi. Ảnh: Y.Đ

Các trường đang ý thức được nguy cơ, hệ lụy của việc học sinh sử dụng điện thoại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, nên đã đưa ra những quy định cụ thể, thậm chí cấm hoàn toàn.

“Mỗi nơi một kiểu”

5 năm nay, Trường THCS Lê Văn Tám (Bình Thạnh, TPHCM) đưa ra quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường. Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây qua khảo sát có tới 90% học sinh nhà trường dùng điện thoại thông minh. Giờ ra chơi, các em sử dụng điện thoại để chơi game, tham gia mạng xã hội, có trường hợp lén sử dụng trong giờ học. Nguy hiểm hơn là tình trạng bạo lực mạng xã hội, tạo các nhóm “kín” tẩy chay lẫn nhau…

“Cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường trang bị 100 máy tính, phục vụ học sinh học Tin học. Đặc biệt, thư viện thông minh của trường là không gian lý tưởng để giáo viên tổ chức các tiết học ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ học sinh học tập với không gian mở.
Nhà trường cũng trang bị riêng khu vực điện thoại bàn dành cho học sinh liên hệ với phụ huynh khi cần thiết và hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, các em có thể mượn điện thoại bất cứ thầy cô nào để liên hệ với gia đình trong trường hợp cần thiết. Với học sinh vi phạm, nhà trường tạm giữ điện thoại và mời phụ huynh để cùng giáo dục”, thầy Tuấn nói.

Tại Trường THPT Lê Lợi (Bắc Tân Uyên, Bình Dương), vấn đề hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong trường học được nhà trường thông báo với phụ huynh ngay từ đầu mỗi năm học. Xác định việc sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập, do đó những năm qua đơn vị hạn chế, không cho học sinh mang điện thoại vào lớp học.
Đối với những hoạt động học tập cần sử dụng điện thoại, phải báo với giáo viên và được Đoàn trường giám sát chặt chẽ. Quy định này cũng nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Tất nhiên, nhà trường cũng trang bị điện thoại bàn ở chốt bảo vệ trường, nếu có vấn đề gì gấp hoặc cần thiết, học sinh có thể sử dụng điện thoại bàn để liên lạc với phụ huynh.

Với Trường THPT Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM), giờ ra chơi, khuôn viên sân trường nhộp nhịp học sinh vui chơi. Các em cùng nhau chơi đá cầu, cầu lông, đọc sách, ôn lại bài hoặc dàn thành từng tốp nói chuyện, vui đùa. Ngôi trường này có quy định không cho học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi khoảng 10 năm nay. Học sinh chỉ được sử dụng lúc tan học hoặc thời gian nghỉ trưa. Với những em bị phát hiện sử dụng điện thoại sai thời gian quy định, lần đầu thầy cô nhắc nhở, nếu tiếp tục tái phạm sẽ mời phụ huynh lên làm việc.

Thầy Võ Thành Danh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường vẫn cho phép học sinh mang đến trường, nhưng phải tắt máy hoặc để ở chế độ im lặng đến khi tan trường mới được sử dụng. Cùng đó, từ khi có Thông tư số 32/2020 của Bộ GD&ĐT quy định “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên chủ nhiệm cho phép”, đối với giờ học tiếng Anh hay các nội dung liên quan đến mạng xã hội, thầy cô cho phép, các em vẫn được sử dụng. Điều đáng mừng là ý thức học sinh của trường rất tốt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của nhà trường.

su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-2-1709.jpg
Giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Bà Điểm. Ảnh: M.A

Còn ý kiến trái chiều

Ông Nguyễn Thanh Thủy (Quận 12, TPHCM) có con trai đang học lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, học sinh được sử dụng điện thoại có mặt lợi và hại. Điện thoại giúp học sinh có thể tham khảo các bài học trực tuyến và tìm hiểu thông tin phục vụ bài học nhanh chóng và thuận lợi. Việc đưa đón hoặc liên hệ với người nhà cũng thuận tiện. Tuy nhiên, vị phụ huynh này cũng nhìn nhận, việc sử dụng không đúng sẽ khiến các em mất tập trung, ảnh hưởng đến học tập, nhất là khi mạng xã hội phát triển.

“Theo tôi, không nên cấm hoàn toàn việc học sinh mang điện thoại tới trường mà nhà trường cần đưa ra những quy định cụ thể về thời gian sử dụng, chẳng hạn như giờ nghỉ trưa hay các môn học cần sử dụng đến điện thoại. Chẳng hạn, con trai tôi học lớp chuyên Tin nên thường xuyên giải Toán và Tin học trên mạng và đều dùng bằng điện thoại. Do đó, nên chăng, trường học có những biện pháp chặt chẽ để quản lý, tránh tình trạng các em lợi dụng để sử dụng điện thoại không đúng mục đích”, phụ huynh này cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn có con gái đang học lớp 9, Trường THCS Phước Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) lại hoàn toàn ủng hộ việc trường học đưa ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Ông Tuấn phân tích, hầu hết gia đình cho con em cầm điện thoại đi học với lý do khi có việc đột xuất thì thuận tiện liên lạc để gia đình yên tâm. Tuy nhiên, trong quãng thời gian trẻ đến lớp, việc học tập, vui chơi luôn nằm trong sự quản lý chặt chẽ của nhà trường và giáo viên nên phụ huynh có thể tin tưởng.

“Về vấn đề sử dụng điện thoại trong giờ học, ông Tuấn cho rằng, một lớp có khoảng 40 học sinh, giáo viên không thể bao quát hết các em sử dụng ra sao. Thay vì phụ huynh phải sắm cho mỗi học sinh một chiếc điện thoại thì trang bị mỗi lớp một tivi để cả lớp cùng xem hình ảnh, cùng tìm kiếm tài liệu dưới sự quản lý của giáo viên. Nhà trường cần xử lý những trường hợp vi phạm quy định để học sinh khác thấy và thực hiện nghiêm túc hơn”, ông Tuấn nói.

Ở góc độ học sinh, Trần Vũ Minh Khôi (lớp 11A2, Trường THPT Bà Điểm, TPHCM) chia sẻ: Nhà trường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giờ ra chơi là cần thiết. Không có điện thoại, mỗi giờ ra chơi, em và các bạn trò chuyện, gắn kết với nhau hơn. Dù vậy, nhà trường vẫn cho phép mang điện thoại đến trường, điều này em thấy hợp lý. Chẳng hạn, lúc tan trường, một số bạn có ba mẹ đưa đón sẽ dễ dàng hơn khi liên lạc. Với lại, nếu cấm sử dụng điện thoại trong trường, các bạn buộc phải ra ngoài trường để gọi điện thoại cho người thân đến đón, lúc đó sẽ không tránh khỏi nguy cơ cướp giật”.

“Ý thức được nguy cơ, hệ lụy nên những năm gần đây ban giám hiệu, các thầy cô và phụ huynh bắt đầu quan tâm sát sao tới việc làm thế nào để có thể giới hạn việc sử dụng điện thoại của học sinh trong trường học. Tất nhiên dù cấm suốt buổi học hay cho phép sử dụng trong giờ ra chơi, hoặc chỉ yêu cầu sự tự giác của học sinh,… cũng đều hướng tới mục đích giúp các em tập trung nhiều hơn trong việc học tập”, nhà giáo Nguyễn Văn Ngai - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ