Sự bao dung của giáo viên có tác dụng gấp trăm ngàn lần hình thức kỉ luật nghiêm khắc

GD&TĐ - Là một giáo viên Lịch sử nhưng kể từ khi tham gia chương trình “Thầy cô của chúng ta đã thay đổi”, cô Lê Thị Thanh Nga (Vĩnh Phúc) đã có cái nhìn bao dung, độ lượng, cảm hóa được học trò cá biệt. Chính sự thay đổi và trưởng thành của học trò, khiến cô Nga thấy mình thực sự là giáo viên hạnh phúc.

Cô giáo Lê Thị Thanh Nga tham gia chương trình "Thầy cô của chúng ta đã thay đổi"
Cô giáo Lê Thị Thanh Nga tham gia chương trình "Thầy cô của chúng ta đã thay đổi"

Thay đổi - bước ngoặt của nghề

Với kinh nghiệm của bản thân khi còn là học sinh và tiếp nhận sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình, tôi luôn cho rằng học sinh khi đến trường phải chấp hành kỉ luật. Khi các em phạm lỗi thì phải nhận hình phạt thích đáng. Tôi luôn tin rằng pháp luật là dành cho tất cả mọi người.

Quả thực là cách làm của tôi cũng đem lại tác dụng nhất định nhưng mà thực tế, càng ngày tôi càng thấy học sinh xa cách mình, những buổi sinh hoạt lớp cuối tuần trở thành những phiên tòa, học sinh dần dần sợ giáo viên hơn là tôn trọng.

Việc tôi tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là một bước ngoặt trong cuộc đời dạy học của tôi. Tự tôi nhận thức được là mình cần thay đổi cách ứng xử với học sinh của mình nếu muốn một lớp học tốt hơn, lớp học hạnh phúc. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm thực tế.

Cách đây một năm khi còn làm công tác ở trường cũ, tôi có được chủ nhiệm lớp khối C, có một học sinh rất đặc biệt, em này rất thông minh, nhận thức rất tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình cho nên em rất nhạy cảm và rất dễ kích động. Tôi nhớ là vào khoảng cuối tháng 5, trong buổi học đó thì tôi nhận được tin là em có mâu thuẫn với một bạn nam sinh khác trong giờ thể dục và các bạn đã hẹn nhau là cuối giờ sẽ đánh nhau.

Khi nghe tin đó thì tôi đã vội vã đi tìm em và đã thấy em ấy ở cổng trường với thái độ rất hung hang. Khi đuổi kịp em, tôi đã phát hiện em có cầm theo một con dao thép. Tôi đã phải mất rất nhiều công sức thì em mới bằng lòng giao nộp con dao cho tôi. Thú thật, lúc đầu tôi còn không biết dùng như thế nào. Tôi nhìn thấy cái lưỡi dao này thì tôi thực sự hoảng sợ bởi sự nguy hiểm và sắc bén của nó. Với cái tính nóng nảy của em ấy nếu không làm chủ được bản thân thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Thầy cô cần có lòng bao dung

Với việc gây mâu thuẫn và đem hung khí đến trường là một tội rất lớn và thông thường trước đây tôi sẽ giải quyết hành chính đó là nộp và báo cáo cho ban giám hiệu và chắc chắn em nam sinh này sẽ nhận án kỉ luật. Thế nhưng, nhờ có quá trình tư vấn của các chuyên gia và tôi cũng hiểu rất rõ hoàn cảnh của em học sinh đó, em không phải người xấu.

Tôi quyết định cho em cơ hội, hai cô trò đã có một buổi nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này. Và trong buổi nói chuyện đó tôi đã chỉ cho em thấy là học sinh có những giới hạn không thể vượt qua. Ví dụ nếu em đánh nhau và thực sự dùng con dao này để đâm bạn thì không những 12 năm học của em sẽ không còn gì cả mà những người yêu thương em ấy cũng sẽ rất đau lòng. Và sau buổi nói chuyện xong thì bạn học sinh ấy tỏ ra rất hối hận và em đã bằng lòng nhận lỗi và hứa sẽ không vi phạm nữa, và đổi lại tôi cũng hứa với em sẽ giữ câu chuyện này chỉ hai cô trò biết với nhau thôi.

Sau khi xử lí như vậy tôi cũng băn khoăn, không biết là em có sửa đổi hay không. Nhưng chính em học sinh đó đã chứng minh cái niềm tin của tôi đã đặt đúng chỗ. Em đã tốt nghiệp với hạnh kiểm tốt và không có một điều tiếng gì cả. Sau một năm, mặc dù gia đình không đủ cho em học đại học, nhưng em đã vừa học cao đẳng, vừa đi làm và bây giờ có thể tự mua được xe, góp tiền  nuôi mẹ,  thường xuyên về thăm cô giáo.

Nhìn thấy học sinh trưởng thành và giữ lời hứa với cô giáo đã khiến cho tôi rất là xúc động và hạnh phúc. Em đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi, mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng là kỉ luật tích cực là cần thiết, nhưng cái sự bao dung của giáo viên đối với học sinh có tác dụng gấp trăm ngàn lần hình thức kỉ luật nghiêm khắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.