Sotheby’s rút tranh giả và hành động của chúng ta

GD&TĐ - Trước vấn nạn tranh Việt Nam bị làm giả ồ ạt xuất hiện bầy bán tại các nhà đấu giá quốc tế, cộng đồng nghệ thuật rất bức xúc và lên tiếng tẩy chay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước “bão dư luận” tại Việt Nam, mới đây đại diện nhà đấu giá Sotheby’s đã đưa ra thông cáo “…nhận thức được về các nghi vấn xoay quanh tính xác thực của tấm bình phong “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ. Sotheby’s đề cao tính nghiêm trọng của những sự vụ về tính xác thực, và xin rút tác phẩm này khỏi phiên đấu, đồng thời sẽ tiến hành xác minh sau đó”.

Ngoài Sotheby’s, cuối tháng 9 nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) cũng đã rút 3 bức tranh nhái lại Bùi Xuân Phái.

Trở lại câu chuyện tranh giả, tấm bình phong “Nhà tranh gốc mít” bị ai đó làm giả và đưa đến nhà đấu giá Sotheby’s. Nếu như cộng đồng nghệ thuật và giới truyền thông Việt Nam không đấu tranh, không vạch trần đó là bức tranh giả thì ngày 10/10 tới đây, Sotheby’s Hongkong vẫn mở phiên bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bình phong “Nhà tranh gốc mít”.

Khi Lynda Trouve và Sotheby’s đã rút tranh giả xuống thì hành động tiếp theo của chúng ta là gì?

Một câu hỏi ngắn nhưng xem ra vô cùng khó để cộng đồng nghệ thuật Việt Nam có thể trả lời. Và thậm chí, không thể trả lời được vì tính khả thi trong việc thực hiện các bước trong đáp án gần như bằng con số 0.

Liệu ở nước ta, có bao nhiêu họa sĩ và nhà sưu tập thực hiện mua bán có hoá đơn chứng từ? Có bao nhiêu nghệ sĩ cất công đăng ký bảo hộ quyền tác giả? Khi tranh bị làm giả, bị nhái có bao nhiêu hoạ sĩ (và cả thân nhân hoạ sĩ) đứng lên tố cáo, quyết liệt đấu tranh?

Phải nói rằng nghệ sĩ Việt rất ngại va chạm – và thậm chí rất lười đấu tranh. Trong khi đó các cơ quan bảo vệ quyền tác giả cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không chứng tỏ được trách nhiệm và sự nhiệt tình. Nếu có trách nhiệm thì khi xảy ra những vụ việc ồn ào, họ phải chủ động tìm hiểu để có cách giải quyết, để bảo vệ danh tiếng mỹ thuật Việt Nam.

Trở lại câu hỏi “hành động tiếp theo của chúng ta là gì?” thì xem ra vẫn không có câu trả lời, vì mắc vào một “nguyên nhân tự thân”. Một số họa sĩ góp phần không nhỏ làm nên sự hỗn loạn của thị trường mỹ thuật - họ tự chép tranh của mình ra làm nhiều bản. Và người thân, con cái trong nhà cũng tận dụng danh tiếng của bố để chép ra hàng loạt tác phẩm na ná nhau.

Người viết bài này từng chứng kiến một nhà sưu tập to tiếng rồi vơ cái điếu cày đuổi đánh con một danh hoạ nổi tiếng ở Hà Nội. Nguyên nhân vì ông này mua một bức tranh được khẳng định của danh họa do người con sở hữu bán cho. Thế nhưng, thời gian sau thì phát hiện bức tranh đó không chỉ có 1, mà nhiều nhà sưu tập khác cũng sở hữu!

Vậy, chúng ta phải làm gì? Câu trả lời là chẳng làm được gì, ngoài việc chứng kiến những nhốn nháo, và chờ cơ quan có trách nhiệm nhiệt tình đến tìm hiểu xem đang có chuyện gì xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.