SOS: Viêm gan C sẽ gây tử vong nhiều hơn HIV

Nguy cơ lây lan và biến chứng thành ung thư, xơ gan của bệnh viêm gan C là rất lớn, trong đó sự chủ quan của chúng ta đang biên căn bệnh này thành mối lo ngại lớn.

SOS: Viêm gan C sẽ gây tử vong nhiều hơn HIV
Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Lây bệnh vì nằm viện

Anh Lê Hữu Phúc, 38 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội vô cùng hoảng sợ và lo lắng khi bác sỹ kết luận bị viêm gan C. Anh cho biết, anh không truyền máu, không tiêm chích, không quan hệ ngoài luồng, cũng không xăm trổ nên rất hoang mang khi biết mình bị viêm gan C. Mới đây, anh bị viêm phổi và điều trị tại bệnh viện. Sau đó hai tháng, tự nhiên anh thấy người mệt mỏi, thường xuyên sốt... Anh đi khám lại thì phát hiện viêm gan C.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh, 42 tuổi ở Hải Phòng, khi chẩn đoán được bệnh viêm gan C thì chị đã chuyển sang giai đoạn viêm gan nặng, ít còn khả năng đáp ứng được thuốc điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc chị sẽ bị xơ gan và ung thư gan. Gia đình chị chưa từng có ai bị bệnh này, nên chị cũng rất hoang mang vì không biết mình bị lây bệnh từ đâu.

ThS Nguyễn Hồng Hà, cảnh báo, viêm gan C là một bệnh lây truyền từ người mang HCV sang cho người lành theo 3 con đường chủ yếu: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con khi sinh và có khoảng 30 – 40% kể không rõ đường lây nhiễm. Chính vì thế mà nhiều người như anh Phúc, chị Minh hoang mang không tin nổi mình nhiễm bệnh.

Còn TS Fabio Masquaita, Cố vấn cấp cao tại Văn phòng Quốc gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, bệnh viêm gan C (HCV) là một bệnh thầm lặng giống như một bom nổ chậm, bệnh không chỉ tập trung chủ yếu ở người tiêm chích ma túy mà các đối tượng hiến máu và bệnh nhân nằm trong bệnh viện, nhân viên y tế cũng dễ bị mắc bệnh... Tại VN, tỷ lệ nhân viên y tế mang virus HCV là 6,6%.

Bệnh nhân nhập viện tăng 10 – 20 lần

ThS. Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Nhiệt đới TƯ cảnh báo, virus viêm gan C (HCV) mới được phát hiện vào năm 1989 nên cả bác sỹ và người dân đều chưa chú ý, người dân mới chú ý đến tiêm phòng và khám tầm soát viêm gan B mà không ngờ tới viêm gan C.

Trong khi đó theo bác sỹ Hà, trên thế giới có khoảng 3% dân số có virus viêm gan C, tại Việt Nam số người mang virus viêm gan C chiếm 4 – 6%. Số bệnh nhân nhập viện Nhiệt đới TƯ vì viêm gan C đang tăng mạnh: Nếu như trước kia mỗi tháng khoa chỉ có 5 – 7 bệnh nhân, thì nay trung bình mỗi ngày cũng có 3 – 4 người, tăng 10 – 20 lần so với trước.

Điều đáng nói là đa phần bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, có biến chứng xơ gan và ung thư gan, một số người còn khả năng điều trị nhưng rất ít người có đủ điều kiện kinh tế để điều trị vì thuốc rất đắt và biến chứng rất nhiều.

6 tháng đã thành xơ gan và ung thư

Cũng theo bác sỹ Hà, người mang virus viêm gan C thường có những biểu hiện âm thầm, ngay cả khi bệnh đã nặng. Người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải, kèm theo có hiện tượng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi không rõ ràng. Những người mang bệnh và có khả năng tự khỏi chỉ chiếm khoảng 15% còn lại 85% sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virus HCV. 85% này không chỉ là nguồn lây mà chính họ còn có thể bị biến chứng xơ gan (10 – 26,7%) và ung thư gan (14,4%). Những biến chứng của viêm gan C có thể tiến triển nhanh trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm.

Quá tốn kém khi điều trị

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C và các loại thuốc điều trị hiện nay cũng không giúp 100% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Có những bệnh nhân bị biến chứng xơ gan, mỗi năm phải nằm viện 6 tháng để điều trị triệu chứng. Riêng tiền dành cho các loại xét nghiệm có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng, tiền thuốc có thể lên tới vài trăm triệu mỗi năm.

Trước đây, bệnh nhân chỉ được điều trị đơn độc với thuốc interferon nên hiệu quả khỏi bệnh chỉ khoảng 30%. Hiện nay, bệnh nhân được dùng sự kết hợp interferon và ribavirin, khả năng khỏi bệnh tăng lên tới 80%. Nhưng quá trình điều trị rất dài kỳ, mỗi tuần tiêm 1 lần, liên tục kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt, thuốc đã rất đắt nhưng vẫn để lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm mệt mỏi, sốt kéo dài; suy giảm tế bào máu, suy thận, suy giáp, loạn thần, tiểu đường...

Do đó khi điều trị viêm gan C, bệnh nhân thường phải dùng nhiều sản phẩm bổ trợ khác, hoặc phải điều trị kèm bệnh khác nên tổng chi phí rất tốn kém. Việc điều trị HCV lại đòi hỏi bệnh nhân phải quyết tâm trong từng tuần, từng tháng, nếu không tuân bệnh có thể tiến triển nặng hơn, bỏ điều trị có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Vì mức chi phí và sự khó khăn trong điều trị nên BS. Cao Thị Thủy, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị đã tham gia quản lý 400 bệnh nhân viêm gan C thì chỉ có 40 người theo được điều trị.

Cần xét nghiệm HCV sớm

Trước mối lo ngại về viêm gan C đang lan rộng trên thế giới, bác sỹ Hồng Hà khuyên người dân cần tầm soát HCV giống như viêm gan B trong các đợt khám sức khỏe định kỳ để phát hiện điều trị và ngăn ngừa tái phát kịp thời.

Để đề phòng HCV, tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, xăm da, xỏ lỗ tai... Nên dùng bao cao su khi quan hệ tình dục..

Theo TPO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ