Sống trong nguy hiểm

GD&TĐ - Hôm 14/8, Bộ trưởng Du lịch Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno, cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã ho dai dẳng suốt gần 4 tuần chưa khỏi.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 14/8, Bộ trưởng Du lịch Kinh tế Sáng tạo Inodnesia, ông Sandiaga Uno, cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã ho dai dẳng suốt gần 4 tuần chưa khỏi.

Bộ trưởng tiết lộ thêm tình trạng của Tổng thống có thể liên quan tới chất lượng không khí đang xấu đi ở thủ đô Jakarta.

Ngày hôm sau, Bộ trưởng Y tế, ông Budi Gunadi Sadikin, nhắc lại Tổng thống Widodo đang ho nặng và tuyên bố sẽ tăng cường rà soát các khu vực ở thủ đô Jakarta để kiểm tra số lượng ca bệnh phổi và đường hô hấp có tăng mạnh gần đây hay không.

Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề nhức nhối tại Jakarta do nguồn phát thải từ các nhà máy sản xuất, nhà máy nhiệt điện và phương tiện giao thông.

Trước đó, hồi năm 2019, 32 người dân đã khởi kiện Tổng thống Widodo và một số bộ trưởng với cáo buộc chính phủ của ông đã không hành động để kiểm soát ô nhiễm không khí và bảo vệ quyền được hít thở không khí trong sạch của họ.

Kể từ đó, chính phủ Indonesia đã thiết lập tiêu chuẩn về chất lượng không khí quốc gia. Dù vậy, trong thời gian gần đây, chất lượng không khí ở Jakarta vẫn suy giảm nghiêm trọng.

Theo dữ liệu từ công ty công nghệ về không khí sạch Thuỵ Sĩ, IQAir, Jakarta liên tục nằm trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu kể từ tháng 5.

Đáng chú ý, hôm 9/8, Jakarta đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới do trong nhiều ngày liên tiếp, không khí luôn nằm ở mức “không tốt cho sức khoẻ”.

Ô nhiễm không khí ở Jakarta chủ yếu gây ra bởi các phương tiện cơ giới với mức độ nguy hiểm ngang với khói thuốc lá.

Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, chính phủ Indonesia yêu cầu một bộ phận công chức và học sinh Jakarta học tập và làm việc từ xa trong thời gian diễn ra hội nghị.

Ước tính khoảng 700 trường học sẽ đóng cửa và 75% công chức thành phố làm việc tại nhà. Hình thức này không áp dụng với nhân viên y tế.

Câu chuyện của Jakarta cũng là bài toán của Bắc Kinh, Trung Quốc, nhiều năm về trước. Khi đăng cai Thế vận hội năm 2008, Bắc Kinh được đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí tệ đến mức Mặt trời bị che lấp bởi sương mù dày đặc.

Nhưng giờ đây, người dân Bắc Kinh đang tận hưởng bầu trời trong xanh vì chất lượng không khí ở thủ đô đã được cải thiện đáng kể.

Ô nhiễm không khí tại Jakarta là căn bệnh “mãn tính”. Các giải pháp hiện nay không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ mà chỉ khắc phục ngắn hạn.

Còn chiến lược mang tính dài hạn thì rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ”, bởi Indonesia dự kiến rời thủ đô từ Jakarta sang đảo Borneo.

Chính phủ Indonesia đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân đầu tư vào dự án xây dựng thủ đô mới. Vì thế, khác với Bắc Kinh, chính quyền Jakarta và chính phủ chưa có những biện pháp mạnh tay và cứng rắn để triệt để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí.

Hơn nữa, việc di dời thủ đô không thể coi là giải pháp đối phó với ô nhiễm môi trường. Trừ khi 30 triệu người dân Jakarta đều được chuyển đi, nếu không việc này không thể giảm tác động của ô nhiễm lên sức khoẻ cộng đồng. Đối với người dân Jakarta, những năm tháng sống chung với khói bụi sẽ còn kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.