Trường học khoác áo mới đón trò

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới, cán bộ, giáo viên vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng phấn khởi vì nhiều trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường Tiểu học Phú Mỹ C, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng khang trang.
Trường Tiểu học Phú Mỹ C, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng khang trang.

Niềm vui đầu năm học mới

Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Dù kinh tế khó khăn nhưng huyện đã nỗ lực để đầu tư xây mới nhiều trường học.

“Cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh rất phấn khởi khi có trường mới kiên cố. Học sinh được tập trung học tại một điểm trường, có phòng học, phòng bộ môn đầy đủ, đảm bảo dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018. Cán bộ giáo viên, học sinh có nơi làm việc, sân chơi riêng…”, cô Sơn Thị Vành Đa phấn khởi chia sẻ.

Cô Sơn Thị Vành Đa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Hưng A (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú) cho biết: Nhiều năm nay trường dạy học tại các điểm trường lẻ, hệ thống lớp học xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn.

Đón năm học mới, hơn 300 học sinh Khmer được địa phương quan tâm đầu tư trường mới trên diện tích gần 7.000m2 với 12 phòng học, 13 phòng bộ môn, phòng làm việc, tường rào bao xung quanh, sân chơi… với kinh phí gần 15 tỷ đồng.

Tại xã Phú Mỹ, thầy Lâm Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ C cho biết năm học này, trên 400 học sinh dân tộc Khmer được vào học ở trường mới. Trường lớp khang trang khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh kỳ vọng chất lượng giáo dục nâng lên. “Ngôi trường mới sẽ tiếp thêm động lực, từ đó tạo niềm tin, niềm vui cho cha mẹ học sinh cùng bà con tại địa phương, thúc đẩy thầy trò dạy tốt, học tốt”, thầy Lâm Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Tú, những năm qua, huyện Mỹ Tú rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục. Nhiều lớp học, ngôi trường được sửa chữa, xây dựng mới, từng bước đáp ứng tốt việc học tập của học sinh. Hiện nay, ngoài Trường Tiểu học Phú Mỹ C và Trường Tiểu học Thuận Hưng A được xây mới với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, trên địa bàn huyện còn có Trường THCS Thuận Hưng được xây dựng mới.

Ngôi trường này đã hoàn thành khối công trình chức năng, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023; Phòng học sẽ hoàn thiện đầu năm 2024. Cùng đó, huyện đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa nhiều điểm trường, mua sắm trang thiết bị, máy tính, bàn ghế, tivi để phục vụ dạy học.

Đầu tư trường chuẩn

Tại huyện Châu Thành, ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện cho biết sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Ban Quản lý dự án huyện cùng các ngành có liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị các điểm trường để làm cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung thêm trang thiết bị. Nhiều công trình được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới để sớm hoàn thành, phục vụ nhu cầu giảng dạy năm học 2023 - 2024.

Trường Tiểu học Thuận Hưng A, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Trường Tiểu học Thuận Hưng A, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số trường được đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm, sửa chữa là 18, với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường, bằng nguồn kinh phí tự chủ kết hợp với nguồn vận động xã hội hóa tiến hành sửa chữa nhỏ, làm thêm đồ dùng, đồ chơi, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học nhằm đảm bảo tốt công tác giảng dạy.

Trường Mẫu giáo An Hiệp (Châu Thành), với nguồn kinh phí huyện đầu tư đã xây dựng mới 1 sân khấu ngoài trời với diện tích hơn 200m2, có mái che và khoảng 300 chỗ ngồi. Cùng đó, trường nâng cấp, sửa chữa, thiết kế lại 3 phòng học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy môn Ngoại ngữ, Tin học, thư viện với các khu tài liệu, đọc sách dành cho học sinh, giáo viên… đạt chuẩn theo quy định. Các công trình này hoàn thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới mà còn đảm bảo điều kiện để trường được tái công nhận và nâng từ chuẩn quốc gia mức độ 1 lên mức độ 2.

Cô Nguyễn Thị Huế Phương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Hiệp chia sẻ: “Những năm trước, không có sân khấu nên mỗi khi có hoạt động ngoài trời hay sự kiện trường phải tận dụng hành lang, thuê thêm rạp có mái che để tổ chức. Năm học này, trường được đầu tư xây dựng sân khấu quy mô lớn, thiết kế họa tiết phù hợp. Cùng đó, sửa chữa phòng làm thư viện đúng chuẩn… Các hoạt động giáo dục sẽ tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều”.

Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành) vừa xây thêm 24 phòng. Trong đó, 12 phòng được bố trí làm phòng chức năng, khu triển khai thí điểm mô hình bán trú cấp tiểu học; còn lại 12 phòng cùng dãy phòng học cũ, trường bố trí, sắp xếp lại để đảm bảo 20 phòng dạy học và khu vực dành cho công tác quản lý. Sau khi được mở rộng, xây mới, trường không chỉ đảm bảo 100% khối lớp học 2 buổi/ngày mà còn có thể triển khai thí điểm mô hình bán trú cấp tiểu học đầu tiên của huyện.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2023 - 2024, huyện Châu Thành đã dành nguồn kinh phí hơn 60 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 18 điểm trường. Trong đó, 16 tỷ đồng sửa chữa, mua sắm bàn ghế cho 14 trường, còn lại đầu tư mở rộng, xây dựng mới phòng học ở 4 điểm trường. Sự đầu tư hướng đến đảm bảo giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chuẩn bị cho công tác tái công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm học mới.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành cho biết: Toàn huyện có 36/37 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 97,3%. Trong đó 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tỷ lệ 10,81%. Theo kế hoạch, năm học 2023 - 2024 huyện sẽ có thêm 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.