Sông Tô Lịch từng đẹp đẽ, tấp nập giữa thành Thăng Long

Bây giờ sông ô nhiễm, nhỏ hẹp quá, ít ai nhớ rằng Tô Lịch từng có một quá khứ huy hoàng, là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long.

Chợ họp ở các bến sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong.
Chợ họp ở các bến sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong.

Hà Nội quán xá phố phường là tập tản văn của Uông Triều viết về những điều bình dị mà tinh tế của Hà Nội, từ những món ăn, quán hàng, con phố tới sinh hoạt văn hóa. Được sự đồng ý của Sống - đơn vị giữ bản quyền - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Tô Lịch không phải con sông duy nhất bị lấp trên nước Việt. Có nhiều con sông bị lấp, thậm chí dấu vết vĩnh viễn không còn nhưng Tô Lịch thì khác, vẫn còn những quãng mà chủ yếu gợi da diết nỗi buồn.

Con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành

Bây giờ sông ô nhiễm, nhỏ hẹp quá, ít ai nhớ rằng Tô Lịch từng có một quá khứ huy hoàng, là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long.

Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây, mộng mơ và hữu ích. Từng có những câu ca viết về Tô Lịch:

“Sông Tô nước chảy quanh co

Cầu Đông sương sớm, Quán Giò trăng khuya…”.

Hoặc:

“Biết nhà cô ở đâu đây

Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ…”.

Trong các tài liệu địa chí, lịch sử, đều viết rằng Tô Lịch là một tuyến đường sông quan trọng, có giá trị về mặt giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long với các vùng khác.

Sông Tô Lịch mang màu sắc truyền kỳ trong một câu chuyện từ lâu đời. Người ta kể rằng khi Cao Biền (821-887) sang đô hộ đất Việt, ông ta đã làm bùa trấn yểm khắp nơi để trừ long mạch hòng khiến cho nước Việt không thể ngẩng đầu lên được.

Một lần, khi đi thuyền trên dòng sông ôm lấy thành Đại La, Cao Biền đã gặp phải một ông già râu tóc bạc phơ ngạo nghễ tắm dưới sông mà chẳng hề quan tâm tới thuyền của quan đi qua.

Biền thấy lạ, dừng lại hỏi ông già tên họ là gì, ông già nói: Ta họ Tô, tên Lịch. Biền lại hỏi, nhà ông ở đâu, ông già đáp rằng: Nhà ta ở sông này. Nói xong, ông già cười lớn và đập tay cho nước bắn mù mịt. Tiếng cười và cú đập nước ấy mang thông điệp rất rõ: Ông già không coi tên quan đô hộ ra gì, thậm chí còn có ý châm chọc, giễu cợt hắn. Cao Biền khi ấy đã phải kinh sợ khi gặp phải thần sông nước Việt.

Câu chuyện về vị thần sông Tô Lịch còn hàm ẩn thêm một ý nghĩa khác: Ngoại bang không thể áp đặt sức mạnh và quyền lực lên nước khác, những trừ yểm của kẻ xâm lược kia chẳng làm được gì. Nước Việt từ thời thượng cổ luôn có những bậc anh hùng, quân vương bảo vệ và giữ gìn nền độc lập của dân tộc.

Vào thời Nguyễn, Tô Lịch vẫn là một dòng sông quan trọng, dù theo tự nhiên, sông Hồng chuyển dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Tô Lịch bị bồi tụ, nước sông Hồng không vào được và dần dần Tô Lịch mất đi vị thế của mình.

Năm 1889, người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch phố phường. Nếu Tú Xương thời đó mà sống ở Hà Nội, chắc hẳn ông sẽ có những bài thơ khắc khoải về con sông từng một thời thơ mộng, gần gũi với người dân đất kinh kỳ.

Nhưng mà từ “Sông Lấp” của Tú Xương ở Nam Định cũng có thể suy ra được bối cảnh bi thiết của Tô Lịch bấy giờ.

Nhưng sông Tô bị lấp thì không thành ruộng đồng như quê của Tú Xương. Tô Lịch trở thành phố phường sầm uất, và có lẽ trong những đêm thanh vắng của ngày ấy, tiếng ếch vọng lên từ những những đoạn sông sót lại cũng đủ làm thao thức lòng người.

Cái thời đó, khi mà cửa sông Tô Lịch, là khu vực phố Chợ Gạo giáp với phố Trần Nhật Duật bây giờ vẫn còn trên bến, dưới thuyền, thì hàng hóa từ các vùng xuôi ngược đổ về đã góp phần làm sầm uất những con phố trong nội thành.

Nhìn trên bản đồ và với những dấu tích để lại thì thấy sông Tô Lịch chảy theo một đường quanh co khá đặc biệt.

Từ cửa sông là phố Chợ Gạo thông ra sông Hồng, Tô Lịch chảy qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, rồi vào Hàng Cá, quặt lên Hàng Lược, khi hết Hàng Lược lại vòng theo hướng Phan Đình Phùng ra Thụy Khê rồi rẽ xuống đoạn sông Tô Lịch hiện thời, từ phố Nguyễn Đình Hoàn giáp với đường Hoàng Quốc Việt.

Khát khao hồi sinh

Dấu vết của sông Tô Lịch vẫn còn, phố Hàng Lược tên cũ là phố Sông Tô Lịch vì gần như cả con phố nằm trên dòng sông xưa. Nhưng có lẽ dễ nhận thấy nhất là đoạn phố Ngõ Gạch, phố cong cong mềm mại mà chỉ dáng vẻ của một con sông mới có.

Ở cửa sông, phố Chợ Gạo, con phố ngắn nhưng có điểm đặc biệt là có một dãy nhà giữa lòng phố, thoạt đầu cứ nghĩ hai phố nhưng kì thực chỉ một.

Phố rộng vì bến sông xưa cần một không gian lớn để làm kho bãi. Thời Pháp, chỗ này được gọi là bãi Chợ Gạo vì gạo được tích trữ, buôn bán ở đây.

Cảng sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong.
 Cảng sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong.

Nhưng sông Tô không chỉ có quá khứ u buồn của thời cuộc và thiên nhiên, con sông cũng có những dấu ấn lịch sử đáng tự hào. Năm 1426, đoạn sông chỗ Cầu Mọc, gần Ngã Tư Sở chính là nơi nghĩa quân Lam Sơn đã giáng cho quân Minh những đòn khốn đốn.

Và gần hơn, năm 1873 và 1882, ở khu vực Cầu Giấy, quân Pháp đã nhận những đòn chí mạng khi ra đánh chiếm Bắc kỳ. Trận thứ nhất, đại úy Francis Garnier bị giết, trận thứ hai đại tá Henri Rivière tử trận.

Từ khi một phần sông Tô bị lấp và có thể trước đó nữa, khi sông Hồng thay đổi dòng chảy thì sông Tô cạn dần, dân cư đông lên và các nguồn nước thải đổ trực tiếp ra sông, con sông bắt đầu “ khúc buồn” của mình.

Con người đã cố gắng cứu vớt lấy dòng sông. Bờ kè được xây dựng, việc nạo vét thường xuyên hơn và cũng có lúc tưởng rằng sông Tô đã được sống lại.

Người ta đã trồng rất nhiều phượng vỹ, bằng lăng bên bờ Tô Lịch để làm dịu bớt sự bức bối của dòng sông. Trận lụt lịch sử năm 2016 ở Hà Nội, mưa nhiều ngày, nước lớn, sông Tô phần nào giảm bớt ô nhiễm và thậm chí người ta đã nhìn thấy những chú cá bơi lượn thanh bình.

Khi nào sông Tô sẽ được hồi sinh? Những người yêu Hà Nội luôn có một nỗi khắc khoải, chờ mong con sông của lịch sử, của truyền thuyết sẽ trở lại thành dải lụa mộng mơ giữa thành phố nghìn năm tuổi.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ