Thu nhập ổn định ở mức cao
Là một thợ kỹ thuật Điện dân dụng, Trần Văn Thái 28 tuổi ở Nghĩa Hưng (Nam Định) đã có hơn 6 năm làm điện nước tại Hà Nội. Dù chỉ là thợ tự do, nhưng Thái luôn có khá nhiều việc thông qua nhận hợp đồng lắp đặt điện nước cho một số công ty xây dựng, hoặc tự ký hợp đồng trực tiếp với các gia đình có công trình xây dựng.
Các hợp đồng lắp đặt điện nước chủ yếu là tính công trên m2 xây dựng, còn nguyên vật liệu thì do chủ công trình tự mua. Tùy theo quy mô, giá lắp đặt điện nước cho công trình nhà dân dụng thường ở mức 180.000 đồng/m2. Đối với công trình chất lượng cao, biệt thự thì có thể nhận từ 220.000 đồng/m2. Ngoài ra, Thái cũng nhận sửa chữa điện tại các gia đình để tăng thêm nguồn thu.
Mỗi lần sửa chữa sự cố về điện dân dụng, người thợ có thể thu được tới 200.000 đồng cho một giờ làm việc. Chính vì vậy, có không ít thợ kỹ thuật điện, tự lựa chọn việc làm cho mình là chuyên sửa chữa thay vì đi nhận công trình.
Mặc du, nghề cũng có những vất vả nhất định, tuy nhiên, công việc chủ yếu thực hiện trong nhà nên tránh được những lúc tiết trời nóng bức hay giá rét. Do đã quen nghề, quen việc, các vấn đề kỹ thuật đối với Thái, gần như không có trở ngại nào trong suốt quá trình làm việc. Thời gian thi công mỗi công trình khác nhau, trong quá trình xây thô, dây điện, ổ điện và ống nước được lắp đặt theo thiết kế ban đầu, sau đó vài tháng công việc được tập trung nhiều trong giai đoạn hoàn thiện công trình.
Về phần thanh toán, Thái cho biết: Các công trình ký trực tiếp với chủ nhà thường được thanh toán nhanh, các hợp đồng với công ty thì chậm hơn do qua nhiều thủ tục phức tạp... Đến nay, với nghề lắp đặt điện nước dân dụng, Thái có thu nhập ổn định từ 15 triệu đồng/tháng. Vào những tháng cuối năm, công việc nhiều hơn vất vả hơn, nhưng thu nhập cũng tăng theo đáng kể.
Gác việc học phổ thông để học nghề
Nói về “cơ duyên” đến với nghề làm điện dân dụng, Thái chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp THCS, thi đỗ vào lớp 10 nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chỉ sau một năm học, Thái đã quyết định nghỉ học để theo nghề điện tại một trường cao đẳng nghề ở Nam Định. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, Thái đã đi làm ngay, có thu nhập, cuộc sống đã bớt phần khó khăn. Qua công việc thực tế, Thái đã dần tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp. Có tay nghề vững vàng, Thái đã được một số công ty đề nghị ký hợp đồng lắp đặt điện nước cho các công trình của họ. Đây chính là một bước tiến vững chắc và ổn định trong nghề nghiệp của anh.
Nếu như lao động kỹ thuật ở các nghề Điện Công nghiệp, Điện tử, Điện lạnh… luôn được các doanh nghiệp tìm kiếm, thì ở nghề Điện dân dụng lại có lợi thế hơn ở khả năng tự tạo việc làm. Với những công trình xây dựng dân dụng, người thợ hoàn toàn có thể tự thương lượng với chủ nhà về mức giá thi công. Bên cạnh đó, trong thành phố, nhu cầu sửa chữa điện của người dân được xem là nguồn việc làm dồi dào, cho thu nhập rất tốt.