Thông điệp về nữ sinh trường nghề

GD&TĐ - Hiện nay, trong các ngành kỹ thuật, tỷ lệ lao động nữ còn khá khiêm tốn so với nam giới. Tỷ lệ chung của lao động nữ qua đào tạo nghề so với nam giới cũng vẫn còn thấp hơn.

Các nữ sinh tham gia sự kiện trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh
Các nữ sinh tham gia sự kiện trải nghiệm nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh

Vì vậy, việc thúc đẩy các em học sinh nữ tham gia học nghề được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hình ảnh của nữ sinh trong giáo dục nghề nghiệp cũng đem đến một góc nhìn tích cực hơn.

Hiệu ứng từ sự kiện truyền thông

Trong khuôn khổ các hoạt động tuyển sinh, vừa qua Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã tổ chức sự kiện truyền thông nhằm thu hút nữ sinh vào học nghề. Đã có hàng trăm nữ sinh THPT trên địa bàn tỉnh tham gia vào sự kiện này. Chuẩn bị cho sự kiện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch truyền thông, trong đó tập trung quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tư vấn nghề nghiệp cho các nữ sinh thông qua các kênh truyền thông như: Website, Facebook, Fanpage... tặng các suất học bổng cho nữ sinh ở các ngành cắt gọt kim loại, cơ điện tử và tự động hóa.

“Dù là nam hay nữ, thông qua con đường giáo dục nghề nghiệp đều có thể mang lại cuộc sống ổn định, thành công” - bà Britta van Erckelens khẳng định. 

Thầy Vũ Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tại sự kiện, nhà trường đã tổ chức cho các em học sinh nữ tham quan các mô hình đào tạo nghề tại xưởng thực hành, tại đây các em đã được xem giáo viên nhà trường trực tiếp vận hành các loại máy móc thiết bị, đồng thời giới thiệu các vị trí công việc, các kỹ năng mà sinh viên cần học được trong quá trình học nghề, vị trí việc làm của các em tại doanh nghiệp sau khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo...

Cũng theo thầy Khuê, hiệu ứng của sự kiện là rất tích cực. Nếu như những năm học trước, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển được khoảng 20 - 30 nữ sinh, thì năm học này, cho đến nay đã có gần 100 nữ sinh nhập học. Hoạt động này rất có tác dụng trong việc khuyến khích nữ sinh tham gia vào giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt nhu cầu nguồn nhân lực trong CMCN 4.0, nhiều ngành nghề kỹ thuật rất phù hợp và cần nhiều vị trí việc làm của lao động nữ. Các em học sinh nữ cũng hoàn toàn có đủ khả năng tham gia học nghề tại các trường đào tạo kỹ thuật.

Thực chất của giáo dục nghề nghiệp

Mục tiêu, vai trò và sứ mệnh của đào tạo nghề là cao cả bởi nó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. Nhưng quan niệm về đào tạo nghề vẫn còn rất lệch lạc, khi nói đến đào tạo nghề, người ta hay nghĩ đến một nghề gì đó rẻ tiền, những nghề không sạch sẽ… Do đó, việc nữ giới tham gia vào giáo dục nghề nghiệp được xem là một giải pháp truyền thông tích cực.

Trong góc độ truyền thông, trước hết, chủ thể tham gia được nhìn thấy các hình ảnh, đây là công cụ truyền thông không lời, nhưng nó rất hiệu quả và có tác dụng lớn. Các hình ảnh có tác động truyền thông không kém gì lời nói. Hình ảnh về những hoạt động trong các nghề công nghệ cao như: Điện, Điện tử, Tự động hóa… cho thấy, các học sinh nữ hoàn toàn có thể tham gia được vào các nghề đó.

Bà Britta van Erckelens - Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) - cho biết: Xây dựng các tài liệu truyền thông như dùng nhân vật nữ để minh họa, sử dụng những hình ảnh ngay tại hiện trường, để người xem thấy được những thực chất nhất của giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ