Song hành phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh là giải pháp quan trọng để học sinh lựa chọn con đường học tập phù hợp.

Đối với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh được xác định là vô cùng quan trọng.
Đối với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh được xác định là vô cùng quan trọng.

Giáo dục nghề nghiệp còn thiếu sức hút

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2020” tại Vĩnh Long đã được triển khai có hiệu quả và đạt kết quả nhất định.

Mạng lưới cơ sở đào tạo hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 8 trung tâm GDNN - GDTX thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố; 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và 11 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp vẫn còn tỷ lệ thấp. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh còn nhiều khó khăn.

Đến nay, 100% trường THCS, THPT, THCS-THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào lớp 10 hệ công lập là 73,4%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển tuyển sinh ĐH, CĐ gần 60%, tăng 18% so với cùng kỳ.

Việc phân luồng còn nhiều khó khăn do các trường chưa tận dụng được các giờ học giáo dục hướng nghiệp trong chương trình để tư vấn cho học sinh một cách hiệu quả. Tài liệu để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế. Công tác hướng nghiệp chưa gắn với việc làm, một số học sinh chưa định hướng được ngành nghề phù hợp với trình độ học vấn của mình. Công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THCS, trường THPT trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chưa thật sự chặt chẽ.

Về giải pháp, ngành Giáo dục Vĩnh Long chủ động triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản từ Trung ương đến địa phương về công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Xây dựng mô hình thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh theo hướng mở, tăng cường xã hội hóa các nguồn lực. Từ đó, nâng cao chất lượng tư vấn nghề, thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề…

Định hướng nghề nghiệp và phân luồng là giải pháp quan trọng để học sinh lựa chọn con đường học tập phù hợp.
Định hướng nghề nghiệp và phân luồng là giải pháp quan trọng để học sinh lựa chọn con đường học tập phù hợp.

Hướng nghiệp cho cả phụ huynh

Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh gặp khó do quan niệm của phụ huynh. Có không ít phụ huynh, học sinh chưa quan tâm hướng đi tiếp theo sau tốt nghiệp THCS. Phụ huynh không muốn con em tiếp tục học THPT hay học nghề mà muốn cho lao động tự do để có ngay thu nhập.

Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo của trường nghề ở địa phương chưa phong phú, đặc biệt là nghề dành cho nữ nên một số em sau tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 đã đi học nghề tự do mà không vào học các cơ sở giáo dục nghề.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Vĩnh Long), để định hướng phân luồng hiệu quả cần các sở ban ngành liên quan chung tay chứ không riêng ngành Giáo dục. Các trường THCS cần làm tốt khâu tư vấn cho các em học sinh ở độ tuổi sau THCS. Nếu tham gia trực tiếp vào thị trường lao động chưa qua đào tạo nghề sẽ thiệt thòi cho các em sau này.

Đối với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác tư vấn, hỗ trợ được xác định là vô cùng quan trọng. Để phụ huynh tin tưởng cho con em đi học nghề, các trường chú trọng công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.

Như Trường CĐ nghề Vĩnh Long đã liên kết với Trung tâm GDNN- GDTX huyện Long Hồ tổ chức đào tạo song song học nghề ban ngày và học văn hóa ban đêm ở các lớp 10, 11, 12. Chương trình học văn hóa nhẹ nhàng và ít môn hơn nên học sinh ít áp lực. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT.

Các trường CĐ, trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thường xuyên tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho phụ huynh, học sinh, đồng thời tổ chức cho học sinh tham quan trường để nắm bắt việc học tập…

Theo đại diện Trường CĐ nghề Vĩnh Long, nhà trường tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo gắn với giải quyết việc làm với nhiều hình thức: đào tạo nghề tại doanh nghiệp; đưa học sinh, sinh viên thực hành, thực tập; phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo... Nhờ đó, có trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm.

Tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện Kế hoạch Xây dựng và phát triển không gian truyền thông, hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ