“Quả ngọt” hướng nghiệp
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia vào giáo dục dạy nghề. Hệ thống trường cao đẳng trong tỉnh có 2 nghề tiếp cận cấp độ quốc tế, có 4 nghề tiếp cận cấp độ khu vực ASEAN.
Nhờ làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp nên tỉnh Đồng Tháp đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm 2021 tỉnh có hơn 71% học sinh (15.570 em) sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở được phân luồng vào các trường Trung học phổ thông; 29% còn lại được phân luồng vào hệ giáo dục thường xuyên, vận động vào học các trường nghề (trung cấp, cao đẳng).
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, kết quả nổi bật trong công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh thời gian qua chính là việc quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục phát triển một cách rộng khắp, phân bổ đều ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề…
Các trường cũng tăng cường giao với học sinh và mời các em đến tham quan, trải nghiệm nơi đào tạo của nhà trường. Cách làm này giúp học sinh có thêm sự tự tin khi lựa chọn ngành, nghề…
Theo ông Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, nhà trường tiếp tục đổi mới công tác hướng nghiệp, kết nối với các đơn vị trường, hỗ trợ học sinh tiếp cận với các ngành, nghề nhà trường đang đào tạo. Hoạt động tư vấn trực tiếp và mời học sinh đến tham quan, trải nghiệm đã giúp các em có sự tiếp cận sâu hơn với thông tin về ngành, nghề và lựa chọn phù hợp với điều kiện bản thân, nhu cầu xã hội…
Hướng nghiệp kịp thời giúp học sinh lựa chọn đúng con đường học tập. |
Định hướng sớm để học sinh chọn đúng đường
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung phát triển theo hướng sâu, rộng về nguồn nhân lực, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.
Trong chiến lược phát triển của tỉnh Đồng Tháp, phấn đấu đến năm 2030, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông có câu lạc bộ tiếng Anh hoặc câu lạc bộ ngoại ngữ khác; ít nhất 60% thanh niên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tương đương với trình độ bậc 1 trở lên theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Có 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 5%; tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 3%; ít nhất 70% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số…
Theo chia sẻ của đại diện các trường nghề, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Giáo dục và Đào tạo và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung, phối hợp thực hiện. Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, sẽ định hướng cho các em học sinh có sự lựa chọn vào học THPT hoặc vào học giáo dục thường xuyên, học nghề. Qua đó, đảm bảo các chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch, cân đối tỷ trọng lao động qua đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, đối với các em học sinh không có nguyện vọng vào lớp 10, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cùng các đơn vị trường phối hợp tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với các thông tin về hệ GDTX, học nghề, học trung cấp, cao đẳng theo hình thức xét tuyển (dành cho HS tốt nghiệp THCS trở lên). Theo chỉ tiêu tuyển sinh đối với hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng năm 2022 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 4.000 học sinh đã tốt nghiệp THCS với các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Tập trung cho công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh, Sở GD&ĐT, Phòng chuyên môn đã kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cựu học sinh thành đạt, các doanh nghiệp, doanh nhân cùng tham gia tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Qua đó giúp các em hình thành ý thức về nghề nghiệp và lựa chọn các ngành học phù hợp với năng lực học tập và nguyện vọng của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình…
Chia sẻ về lựa chọn học nghề sau THCS, em Nguyễn Ngọc Đức, học viên Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, cơ sở tại tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong thời gian học THCS em nhận thấy sức học của em không đảm bảo cho việc học ở THPT nên em bắt đầu tìm hiểu học nghề. Sau khi tốt nghiệp THCS, em được nhà trường, giáo viên tư vấn, hỗ trợ nên vào học nghề. Môi trường học nghề hiện nay cũng rất tốt, trang thiết bị hiện đại, các chính sách ưu đãi phù hợp. Em cố gắng học tốt, ra trường có việc làm để có thể sớm phụ giúp gia đình”.