Sống bên miệng tử thần

Sống bên miệng tử thần

(GD&TĐ) - Đá lăn từ trên núi xuống, những vách đất dựng đứng đổ ập vùi lấp nhà ở hay những trận cuồng phong lũ ống, lũ quét bất chợt ập về là những ẩn họa mà hàng nghìn hộ dân vùng cao Thanh Hóa đang phải đối mặt. 

Nỗi lo mùa mưa bão

Đất đá sạt lở sập tường các công trình tại Trường cấp 2-3 Quan Hóa (Thanh Hóa)
Đất đá sạt lở sập tường các công trình tại Trường cấp 2-3 Quan Hóa (Thanh Hóa)
 

Thi thoảng, núi Pha Poọng lại nổi cơn cuồng loạn, từ trên đỉnh núi đất, đá cứ rầm rầm đổ xuống, tảng to nặng cũng như chiếc xe tải, hòn nhỏ cũng phải bằng cái bánh xe ô tô, bà con dân bản Poọng, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) luôn nơm nớp một nỗi lo thường trực cho sinh mạng và tài sản của mình mỗi khi mùa mưa bão về.

Cách đây không lâu trận lở núi xảy ra ở bản Poọng khiến mặt đất xã Phú Nghiêm rung chuyển, cả xã trong tình trạng báo động, kẻng kêu vang khắp xóm, trống khua liên hồi. Chị Vi Thị Huyền cho biết, hôm đá lăn cả xã náo loạn, chị hãi hùng ôm con chạy ra khỏi nhà trong tiếng đá lăn rầm rầm, bụi đất mù trời. May mà hôm đó tảng đá lớn hàng tấn lăn trúng một bụi tre lớn chứ không thì mấy căn nhà sàn ở bản Poọng đã bị nghiền nát.

Cũng từ hôm đó, chị Huyền không dám cho hai đứa con của chị ngủ đêm trong chính căn nhà của mình. Mọi đồ đạc có giá trị trong nhà đều được vợ chồng chị Huyền mang đi gửi tại nhà người thân trong xã. Cũng như một số hộ lân cận, chị Huyền sợ đá trên đỉnh Pha Poọng lại ầm ầm đổ xuống, để con cái ngủ trong nhà, chính giữa vùng nguy hiểm chị không yên tâm. Căn nhà của chị Huyền giờ đây trống huơ trống hoác, không hề có vật dụng gì đáng giá. Cứ mưa là cả nhà lại sơ tán sang bản khác. 

Nỗi lo đá lăn từ núi xuống khiến cuộc sống của các hộ dân dưới chân núi Poọng bị đảo lộn tất cả. Dẫn chúng tôi lên núi Pha Poọng, ông Phạm Bá Thu - Trưởng bản Poọng nói trong lo âu: “Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng trước tình trạng núi lở ngày một nhiều. Ngọn núi này toàn đá to, lại nằm trong kết cấu không bền với đất, nó không phải hoàn toàn là núi đá nên cứ mưa là nguy cơ đá lại lăn xuống. Chúng tôi đã cho người lên kiểm tra, khảo sát và nắm được hiện có rất nhiều những tảng đá to, nặng hàng trăm tấn có thể lăn bất cứ lúc nào. Hiện nay, bản Poọng có 74 hộ, trong đó có khoảng 11 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp hiểm họa từ đá lăn. Chúng tôi đã đề nghị lên cấp trên phương án di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm”. 

Nếu người dân bản Poọng, xã Phú Nghiêm phải đối mặt với nguy cơ đá lăn thì người dân bản Chiềng, xã Hiện Kiệt lại nơm nớp thường trực một nỗi lo khi trời đổ mưa là nước lũ cuốn trôi nhà. Hơn chục nhà dân sống cạnh con suối Ón thường xuyên phải “bỏ của chạy lấy người” khi trong vùng có mưa lớn. Chỉ tay vào đống gỗ bên sườn núi anh Lò Khăm Xuyến cho chúng tôi biết: “Nhà của tôi vừa phải dỡ để di chuyển đi nơi khác đấy, gần đây mưa lớn quá nước suối dâng cao lên mép sàn rồi”.

Theo anh Xuyến thì suối Ón nằm giữa các vách núi cao nên tất cả nước đều dồn cả vào con suối này trước khi đổ ra sông Mã. Suối Ón nhỏ nên khi có mưa to là nước dâng lên rất nhanh. Hàng chục năm trước người dân đã an cư cạnh suối Ón để tiện lợi việc lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, gần đây thời tiết biến đổi thất thường, mưa lũ triền miên, cuộc sống của các hộ dân ven suối trở nên nguy hiểm.

Trong căn nhà sàn ba gian với 11 nhân khẩu của ba thế hệ cùng sinh sống, ông Lò Khăm Nhuôn phàn nàn: “Chắc tại chặt cây nhiều quá nên đất trên núi sạt lở ấy mà, trước kia có mưa thì nước suối cũng xanh ngắt, trong veo. Bây giờ hễ mưa là nước suối đục ngầu. Không biết sạt lở ở đâu mà đất, cát trôi về đây nhiều lắm. Cứ mưa to là suối Ón lại có lũ bùn, lũ cát”. 

Theo ông Nhuôn cho biết thì 40 ao cá của người dân ven suối Ón đã bị đất, cát lấp đầy sau những trận lũ. Ngoài ra khoảng năm héc-ta ruộng cấy lúa cũng bị cát vùi lấp, không thể tiếp tục gieo cấy. Đáng ngại nhất là hơn chục hộ dân với cả trăm nhân khẩu đang ở ven suối Ón phải sống trong vùng nguy hiểm, khi mùa mưa đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết thì vẫn còn hơn 4.000 hộ dân với trên 12.000 khẩu ở 12 huyện của Thanh Hóa nằm trong điểm đen nguy hiểm dù vậy việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm lại gặp không ít khó khăn.

Mưa lũ làm sạt lở đất ở Trường THPT huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
Mưa lũ làm sạt lở đất ở Trường THPT huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
 

Hãy tự cứu mình

Tuyến đường Tỉnh lộ 520 từ Hồi Xuân (Quan Hóa) đi cửa khẩu Tén Tắn (Mường Lát) vừa được nâng cấp thành Quốc lộ 15C. Chính vì vậy con đường này đang được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Do nằm lắt léo ven sườn núi nên việc mở rộng đường chỉ còn cách duy nhất là bạt núi. Dọc theo chiều dài suốt con đường là những vách đất, vách đá cao có khi tới hàng chục mét. Đường mở chưa xong thì người dân đã đua nhau xây dựng nhà ở bám đường. Cách an cư này của người dân đã đồng nghĩa với việc đặt cược sinh mệnh cho những vách đất dựng đứng. Trời mưa, một số vách đất cao có sự liên kết địa hình không ổn định lại sạt lở, nguy cơ đất đè sập nhà lại hiển hiện. Dù biết trước những điểm nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở đất song công tác vận động người dân di dời lại gặp khó khăn. 

Anh Phan Văn Thân - Đồn trưởng Đồn biên phòng Hiền Kiệt cho chúng tôi biết: “Hễ thấy mưa lớn là đơn vị lại cử cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn vận động người dân tạm di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Dù vậy rất nhiều hộ gia đình vẫn còn tâm lý chủ quan mà không chịu di dời đi. Nhiều trường hợp chúng tôi phải tiến hành cưỡng chế. Trước đây, vừa đưa một gia đình với bốn nhân khẩu ra khỏi nhà được vài phút thì đất sạt lở, vùi lấp luôn cả ngôi nhà”. Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có rà soát để đưa các hộ gia đình trong điểm nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cấp về hỗ trợ người dân vẫn chưa được đầy đủ, đây cũng chính là một trong những lý do khiến người dân vẫn “cố thủ” ở trong vùng nguy hiểm. 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lưu Tiến An, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa cho biết: “Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã xây dựng đề án di dời dân với tổng kinh phí gần 40 tỷ. Dự án ban đầu là 491 hộ. Đề án được thực hiện trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên cho đến nay, toàn huyện mới chỉ di dời được 182 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó những hộ thuộc khu vực biên giới sẽ nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng kinh phí di dời, những hộ không thuộc diện trên sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng. Hiện, còn 95 hộ đã di dời nhưng chưa nhận được tiền và hàng trăm hộ chưa được di dời do chưa có kinh phí”.

Theo ông An thì hiện tại huyện Quan Hóa cũng đã bố trí mặt bằng tái định cư cho người dân tuy nhiên khó khăn là chưa có kinh phí để làm đường, xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt cho nên người dân chưa hào hứng chuyển đến nơi ở mới. Được biết, huyện Quan Hóa cũng đã có công văn gửi Sở NN&PTNT Thanh Hóa về vấn đề kinh phí hỗ trợ người dân di dời nhà ở tuy nhiên do nguồn vốn có hạn nên việc di dời vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Không chỉ huyện Quan Hóa xảy ra tình trạng trên mà tất cả 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm mà chưa có kinh phí để di dời. Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn vốn ngân sách của Thanh Hoá còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó là ý thức tự giác bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân vẫn chưa được nâng cao. Nên chăng người dân hãy biết tự cứu mình, di dời nhà ở ra khỏi vùng nguy hiểm trong khi chờ sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước bởi mùa mưa lũ đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

Hoàng Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ