(GD&TĐ)- Cuối năm 2010, tổ máy số 1 của công trình thủy điện Sơn La chính thức phát điện và đi vào hoạt động với tiến độ hoàn thành trước kế hoạch 2 năm. Đây là tiền đề để chủ đầu tư và cán bộ, công nhân trên công trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tổ máy khác.
Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2400 MW gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW. Đây là công trình thủy điện trọng điểm trong hệ thống thủy điện bậc thang trên dòng sông Đà; sau thủy điện Lai Châu khởi công ngày 22/12/2010 và là bậc trên của thủy điện Hòa Bình.
Ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa thành công vào hệ thống điện quốc gia. Tổ máy số 1 có công suất 400MW phát điện sớm hơn kế hoạch góp phần giảm thiểu thiếu hụt công suất của hệ thống điện quốc gia và là tiền đề để hoàn thành các tổ máy còn lại vào cuối năm 2012.
Đập thủy điện là công rình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Để tiến hành tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La phải di rời 20.260 hộ, 95.733 khẩu, trong đó, tỉnh Sơn La là 12.500 hộ, 61.509 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.436 hộ, 17.805 khẩu và tỉnh Lai Châu 3.324 hộ, 16.419 khẩu.
Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Dự án được khởi công và ngăn sông đợt 1 vào ngày 2/12/2005. Đến ngày 18/11/2010, tổ máy số 1 đã được khởi động không tải và sau 1 tháng, tổ máy đã phát điện và hòa lưới điện quốc gia, vượt tiến độ 2 năm theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo kế hoạch mà Ban điều hành Dự án Thủy điện Sơn La đặt ra: sẽ đưa tổ máy số 2 phát điện vào đúng dịp 30/4 và 2 tổ máy tiếp theo phát điện trong năm 2011. Đồng thời trong thời gian tới, ngoài việc dồn sức để hoàn thành lắp đặt các hạng mục của tổ máy số 2, 3, triển khai lắp đặt cẩu 350 tấn đập tràn. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Sông Đà phấn đấu hoàn thành đổ 10.000 m3 bê tông vào các hạng mục công trình, sản xuất 10.000 m3 vật liệu, khoan phun chống thấm đạt 700 mét dài; Tổng công ty Lilama tham gia lắp đặt 10 tổ hợp và chế tạo thiết bị đạt 1.375 tấn...
Xin giới thiệu không khí lao động sản xuất trên đại công trường thủy điện này:
|
Dòng sông Đà phía dưới đập thủy điện Sơn La. Ảnh, gdtd.vn |
|
Thân đập chính của thủy điện.... Ảnh, gdtd.vn |
|
....Với 6 cửa xả tràn. Ảnh, gdtd.vn |
|
Bên cạnh các đường ống áp lực cấp thủy năng cho các tổ máy là các đường dây truyền tải điện đã hoàn thành chờ sẵn. Ảnh, gdtd.vn |
|
Hệ thống truyền tải điện cũng đã hoàn thành. Ảnh, gdtd.vn |
|
Một lan can bảo vệ trên mặt thân đập chính phía thượng nguồn. Ảnh, gdtd.vn |
|
Các công nhân đang hối hả thi công trên mặt đập chính. Ảnh, gdtd.vn |
|
một hạng mục cốt thép đang chờ đổ bê tông. Ảnh, gdtd.vn |
|
Những mẻ bê tông vẫn tiếp tục được đổ xuống để hoàn thành mặt thân đập chính. Ảnh, gdtd.vn |
|
Khu phối trộn bê tông cung cấp cho công trình. Ảnh, gdtd.vn |
|
Những người thợ tập đoàn Sông Đà. Ảnh, gdtd.vn |
|
thiết bị nâng hạ hạng nặng vừa được lắp đặt. Ảnh, gdtd.vn |
|
Những người thợ trên công trường thường xuyên lao động dưới cái nắng gay gắt của vùng cao Tây Bắc. Ảnh, gdtd.vn |
|
Vẻ đẹp hùng vĩ của Sông Đà nhìn từ đập thủy điện Sơn La xuống phía hạ du. Ảnh, gdtd.vn |
Giang Đông