Chưa giúp HS cảm nhận đúng giá trị đích thực của văn chương
Đánh giá đầu tiên của cô Lê Thị Biên là hệ thống câu hỏi thường ít phát huy được trí lực, cảm xúc thẩm mĩ của học sinh. Nhiều khi có xuất hiện thì thường kém logic và thiếu tính hệ thống.
Về nội dung lên lớp, có giáo án chủ yếu dừng lại ở chỗ truyền thụ cho học sinh những tư tưởng chính trị xã hội lịch sử, mà hầu như chưa giúp các em cảm nhận đúng những giá trị đích thực của văn chương.
Qua tay người giáo viên, các tác phẩm được chọn giảng thường đến với học sinh như những bản thuyết minh về các mặt đời sống xã hội đất nước hơn là những sản phẩm sáng tạo nghệ thuật đầy ắp thông tin thẩm mĩ thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn, cho nên học sinh không thể khám phá hết vẻ đẹp trong tận cùng sâu thẳm của tác phẩm văn học.
Bên cạnh đó, giáo viên chỉ chú ý khai thác ở mỗi tác phẩm lời ngợi ca nồng nhiệt của nhà văn, nhà thơ đối với mỗi sự kiện chính trị - xã hội lớn diễn ra trên đất nước mà nhiều khi không mấy quan tâm đến vấn đề cốt lõi của văn chương nghệ thuật như: cá tính sáng tạo, phong cách nhà văn, ý nghĩa thẩm mĩ của tác phẩm…
Vì thế cái Tâm, cái Tài, cái Tình riêng của tác giả không được khắc cốt ghi tâm không chuyển hóa được vào bên trong tâm hồn mỗi học sinh để các em có thể thanh lọc tâm hồn sau khi học xong tác phẩm.
Theo cô Lê Thị Biên, với một số tác phẩm văn học, nếu giáo viên không chắc tay sẽ lấn sân sang mảng lịch sử, làm giảm đi vẻ đẹp của tác phẩm văn chương đích thực.
Nhiều giáo án khai thác tác phẩm chủ yếu ở nội dung phản ánh
Đưa ra nhận định này, cô Lê Thị Biên lấy ví dụ: Rừng xà nu “đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng” mà chưa chú ý đến chất lãng mạn mang đậm vẻ đẹp của khuynh hướng sử thi…
An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy thì xoáy sâu vào “đề cao tinh thần cảnh giác” mà ít chú ý đến bi kịch cá nhân...
Cũng theo cô Lê Thị Biên, giáo viên khai thác biệt lập các phương diện chức năng tác phẩm trong quá trình cảm thụ và giảng dạy. Họ thường phân chia tác phẩm làm ba phần (giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, tổng kết). Nhiều người khai thác tác phẩm theo kiểu bổ ngang, xẻ dọc mà không khai thác thác tác phẩm theo ba tầng chỉnh thể (tầng ngôn ngữ, tầng hình tượng,tầng ý nghĩa).
Giáo viên khi khai thác nội dung phản ánh của tác phẩm thường chủ yếu truyền thụ cho học sinh những kiến thức xã hội học (nội dung phản ánh hiện thực của tác phẩm). Còn nghệ thuật chỉ được xem như một phần máu thịt của của giá trị nội dung, tiềm tàng hòa trong nội dung tạo nên vẻ đẹp riêng của nội dung được nói đến bằng chính nội dung đó.
Để thâm nhập được vào tác phẩm, giáo viên thường bị lệ thuộc vào các thao tác phân tích gò bó, khuôn mẫu: nêu nội dung lớn, nhỏ rồi đi đến liệt kê hàng loạt các chi tiết hình thức, chú trọng phân tích những chi tiết nổi bật một cách độc lập, cuối cùng tóm lại, củng cố nội dung đó … Có những giáo án sa vào suy diễn theo kiểu “tản văn” từng chi tiết vụn vặt, thoát li văn cảnh chung của tác phẩm.
Theo cô Lê Thị Biên, các giáo án với “nội dung cơ bản cần giáo dục”, quan điểm sẵn thiên về nội dung phản ánh, nội dung minh họa cho các “tĩnh” của tác phẩm không phải là giáo án phát huy được sự sáng tạo, sự thoải mái tự do cho người dạy và cả người học.
Bình luận