Sở Y tế TPHCM nêu 4 lý do gây khó xử lý hành vi bán thuốc qua mạng xã hội

GD&TĐ - Quá trình thanh, kiểm tra còn gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc ở các nền tảng mạng xã hội.

Tràn lan các phiên livetream bán nhiều mặt hàng thuốc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok...
Tràn lan các phiên livetream bán nhiều mặt hàng thuốc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok...

“Việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hành vi vi phạm pháp luật nhưng quá trình thanh, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… - Đây là thông tin được bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM đưa ra tại họp báo cung cấp thông tin kinh tế, xã hội, chiều 27/6.

Bà Như cho biết, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm.

“Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm và minh bạch trong công tác quản lý”, bà Như cho hay.

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, có 4 lý do gây khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc bằng mạng xã hội. Cụ thể, đầu tiên là đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm. Tiếp đó, địa chỉ kinh doanh ảo, không có thật, hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định; không phải cơ sở kinh doanh thuốc nào cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).

Khó khăn thứ 3 trong việc xử lý là do ngành y tế TPHCM chưa đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi Sở mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.

Cuối cùng, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, làm cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Trước tình trạng này, để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, Sở Y tế TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.

“Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép”, bà Như thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.